Do thời tiết bất lợi nên từ đầu năm đến nay, nhiều diện tích thả nuôi tôm tại một số tỉnh ĐBSCL liên tiếp bị thiệt hại.
Tại Sóc Trăng, Trà Vinh… nhiều hộ nuôi tôm bị thiệt hại nặng do dịch bệnh. Ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết: do ảnh hưởng hạn, mặn gay gắt khiến độ mặn quá cao, 20 – 25% nên tôm rất khó phát triển. Những hộ thả giống lúc này đều gặp bất lợi, ngành chuyên môn nên khuyến cáo người nuôi hạn chế thả giống chờ mưa xuống nhằm giảm độ mặn.
Trong khi đó, tại huyện Bình Đại, Bến Tre, ông Lê Văn Kỳ, trú tại xã Bình Thới chia sẻ, 2 ao tôm thẻ chân trắng của ông thả nuôi được hơn 1 tháng tuổi đã xuất hiện bệnh đốm trắng chết la liệt, thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Dù có nhiều năm kinh nghiệm về nuôi tôm nhưng từ đầu năm tới nay đã 2 vụ liền tôm nuôi bị chết.
Tôm bị bệnh đốm trắng – Ảnh: Máy Cày
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Kiên Giang, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 8.000 ha tôm nuôi ở tỉnh bị thiệt hại do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, bệnh còi… Hiện tại, hạn hán và xâm nhập mặn còn phức tạp và sẽ gây bất lợi cho tôm nuôi. Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo người nuôi không thả tôm ở những nơi có độ mặn trên 25%, nhất là các xã ven biển thuộc huyện An Minh, An Biên… Chi cục Nuôi trồng Thủy sản, Trung tâm Khuyến ngư sẽ theo dõi chặt diễn biến thời tiết, độ mặn, khi thời tiết thuận lợi sẽ thông báo cho người nuôi thả giống; tránh việc thả nuôi tự phát khi thấy giá tôm nguyên liệu tăng cao, sẽ dễ xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại…