Tôm thắng, cá tra gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Kết thúc năm 2013, hai sản phẩm thủy sản chủ lực tôm và cá tra được đánh giá “một thắng lợi, một vẫn rất khó khăn”. Bài viết này xin hệ thống vài số liệu nhằm cung cấp cái nhìn khái quát hai mặt hàng này, trong ba năm gần đây.

Năng suất nuôi tôm liên tục giảm

Năm 2011:

 Năm này, xu hướng nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) tăng. Diện tích TTCT 33.049 ha, sản lượng 176.451 tấn, bằng 129,06% năm 2010. Tôm sú nuôi 623.377 ha, sản lượng 319.206 tấn, giảm 4,19% so với năm 2010.

Dịch bệnh trên tôm gây thiệt hại lớn, chủ yếu do con giống chất lượng kém. Tổng cục Thủy sản đánh giá: “Việc kiểm dịch con giống còn nhiều hạn chế dẫn đến tôm giống kém chất lượng vẫn được đưa vào nuôi, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh xảy ra ở tôm nuôi”.

Đặc biệt, nước ta phải nhập khẩu TTCT bố mẹ. Tháng 1/2011, phát hiện Công ty TNHH Nam Á nhập khẩu TTCT bố mẹ từ Indonesia bị bệnh hoại tử cơ IMNV.

Tổng cục Thủy sản dự kiến năm 2012: Tổng diện tích nuôi 650.000 ha, tổng sản lượng 510.000 tấn.

 

Năm 2012:

Tổng diện tích nuôi tôm 657.523 ha, tổng sản lượng 476.424 tấn. Trong đó, TTCT 38.169 ha, sản lượng 182.315 tấn; tôm sú 619.355 ha, sản lượng 298.607 tấn.

Diện tích nuôi tăng nhưng sản lượng giảm, do dịch bệnh. Cả nước có 100.776 ha bị thiệt hại; trong đó, 7.068 ha TTCT (18,5% diện tích nuôi), 91.174 ha tôm sú (14,7% diện tích nuôi). Năm này tôm sú bị bệnh hoại tử gan nên thiệt hại rất lớn; tuy nhiên, dịch bệnh trên TTCT có tỷ lệ cao hơn tôm sú.

Nguyên nhân chính vẫn do giống kém chất lượng. Theo Tổng cục Thủy sản: Nhiều trại giống chưa đảm bảo điều kiện sản xuất, kiểm dịch nhiều nơi mang tính hình thức, còn lượng giống trôi nổi không kiểm soát chất lượng, không được kiểm dịch. Đặc biệt, vài cơ sở sản xuất TTCT sử dụng tôm F1 làm bố mẹ, ảnh hưởng tới kết quả nuôi trồng.

Tổng cục dự kiến năm 2013: tổng diện tích nuôi 655.000 ha, tổng sản lượng 530.000 tấn. Trong đó, TTCT 40.000 ha, sản lượng 190.000 tấn; còn tôm sú 615.000 ha, sản lượng 340.000 tấn.

 

Năm 2013:

Nuôi TTCT tăng đột biến, vượt xa dự kiến. Cả nước nuôi 66.000 ha TTCT, sản lượng 280.000 tấn (so với kế hoạch vượt 50% và 47,3%), còn tôm sú 600.000 ha với sản lượng 268.000 tấn (so với kế hoạch giảm 2,5% và 21,2%). Lần đầu tiên, sản lượng TTCT vượt tôm sú. Xuất khẩu tôm cả năm đạt 2,8 tỷ USD, tăng gần 33% so với năm 2012.

Tổng cục Thủy sản đánh giá: “Một năm được mùa được giá đối với tôm nước lợ mà TTCT đã góp phần tạo nên sự thay đổi ấn tượng bằng việc kịp thời chớp cơ hội, bù đắp vào sản lượng sụt giảm tại nhiều nước do dịch bệnh, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 3 thế giới về sản lượng tôm”.

Tôm được giá vì các nước nuôi tôm diện tích lớn như Thái Lan, Trung Quốc vẫn bị dịch bệnh hoành hành nên giảm sản lượng, tạo điều kiện cho tôm Việt Nam xuất khẩu có giá. Giống TTCT vẫn ẩn chứa nguy cơ khi chủ yếu còn nhập khẩu mà Tổng cục Thủy sản phát hiện Công ty Winaiphonoi ở Thái Lan, cung cấp TTCT bố mẹ không đảm bảo chất lượng cho 4 doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đáng lưu ý, thống kê trên đã cho thấy, trong năm 2013, TTCT vượt kế hoạch về diện tích 50% nhưng sản lượng chỉ vượt 47,3%; tôm sú giảm diện tích 2,5% nhưng giảm sản lượng đến 21,2%.

Còn tính từ năm 2011 đến 2013, năng suất bình quân nuôi tôm liên tục giảm. Năm 2011, tôm sú 0,512 tấn/ha, TTCT 5,339 tấn/ha. Năm 2012, tôm sú 0,482 tấn/ha, TTCT 4,776 tấn/ha. Năm 2013, tôm sú 0,446 tấn/ha, TTCT 4,242 tấn/ha.

 

Cá tra thiếu quy hoạch, kế hoạch

Năm 2013, sản lượng cá tra đạt 1,15 triệu tấn – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Năm 2011:

ĐBSCL nuôi 5.430 ha, sản lượng 1.195.244 tấn. Giá cá tra nguyên liệu biến động mạnh.

Có khoảng 100 cơ sở chế biến đông lạnh cá tra với công suất gần 1 triệu tấn sản phẩm/năm. Tình trạng thiếu nguyên liệu thường xuyên xảy ra, bình quân nhà máy chỉ hoạt động 60% công suất. Các cơ sở chế biến tương đối hiện đại nhưng phần lớn vẫn chế biến ra sản phẩm thô sơ chế, tỷ lệ hàng giá trị gia tăng thấp nhất trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ chiếm 1 – 5%.

Xuất khẩu trên 600.000 tấn, kim ngạch 1,805 tỷ USD, tăng 26,5% so năm 2010, sang 135 thị trường.

Tổng cục Thủy sản đánh giá: “Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tại một số địa phương thực hiện chưa tốt”. Chỉ tiêu đặt ra cho năm 2012: Diện tích nuôi: 5.500 – 6.000 ha; sản lượng 1,2 – 1,5 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 1,85 – 2,00 tỷ USD; “100% cơ sở nuôi cá tra được đánh số, đăng ký nuôi cá tra có điều kiện và thực hiện truy xuất nguồn gốc”.

 

Năm 2012:

Diện tích nuôi 5.910 ha, sản lượng 1.285.500 tấn. Giá liên tục giảm mạnh, người nuôi chỉ lỗ đến hòa vốn.

Có trên 300 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó chỉ khoảng 70 doanh nghiệp có nhà máy chế biến. Mặt hàng giá trị gia tăng chỉ chiếm 1 – 5%. Xuất sang khoảng 140 nước; kim ngạch 1,744 tỷ USD, giảm 3,4% so năm 2011.

Tổng cục Thủy sản đánh giá: Quá nhiều đầu mối xuất khẩu nên xảy ra tình trạng chào bán phá giá lẫn nhau, “giá cá tra bị đẩy xuống mức thấp nhất trong lịch sử của ngành”. Một số doanh nghiệp tìm mọi cách xuất khẩu sản phẩm chất lượng không cao “thậm chí tỷ lệ mạ băng lên đến 30 – 40%”, và hậu quả là “cá tra bị mất giá trị thực trên thị trường”.

Nguyên nhân chính là “mất cân đối cung cầu”, do “công tác quy hoạch sản xuất chưa theo kịp sản xuất, nghề nuôi cá tra vẫn còn phát triển một cách tự phát”. Tổng cục Thủy sản đặt chỉ tiêu cho năm 2013: Diện tích nuôi 5.500 – 6.000 ha; sản lượng 1,1 – 1,2 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 1,7 – 2 tỷ USD. Giải pháp chính là “nghiên cứu giao chỉ tiêu sản lượng và diện tích cho từng tỉnh, thành phố”, nghĩa là giao “quota” để thực hiện nghiêm việc quy hoạch, kế hoạch.

Năm 2013:

Diện tích nuôi 5.200 ha, sản lượng 1,15 triệu tấn; so với năm 2012, giảm 17,5% về diện tích và 7,6% về sản lượng. Ngôn từ “vỡ trận” được dành cho ngành cá tra trong năm nay, giá cá thấp trong thời gian dài, người nuôi liên tục bị lỗ, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng bằng chiếm dụng vốn của người nuôi.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, có hơn 230 đầu mối xuất khẩu, trong đó chỉ 94 doanh nghiệp có nhà máy chế biến. Xuất sang 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch cả năm ước đạt 1,8 tỷ USD, tương đương năm 2012.

Những con số trên cho thấy, thị trường cá tra liên tục được mở rộng: Năm 2011 là 135, năm 2012 là 142 và năm 2013 là 149. Trong lúc năng suất nuôi xoay quanh 220 tấn/ha thì kim ngạch xuất khẩu giảm là chính.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, TS Võ Hùng Dũng, phân tích, từ năm 2010, ngành cá tra tăng tính khép kín nội bộ thay cho liên kết chuỗi, “mỗi người đeo đuổi lợi ích riêng của mình”, dẫn đến hiện nay “ngành cá tra đầy những người luôn cho mình là đúng”. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, theo Tổng cục Thủy sản vẫn là: “Tiếp tục rà soát quy hoạch, kế hoạch”.

>> Ngày 22/11/2013, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 2760/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Đây là đề án với nhiều định hướng phát triển theo chiều sâu trong chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, để đạt được đúng lộ trình, còn rất nhiều việc phải làm, không chỉ dừng ở rà soát và quy hoạch.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!