Tôm thẻ chân trắng “hai thấp, hai cao”

Chưa có đánh giá về bài viết

Đảm bảo được một số yếu tố chất lượng nước quan trọng sẽ góp phần chủ động quản lý sức khỏe tôm nuôi, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Độ mặn thấp

Tôm nuôi ở độ mặn cao dễ bị dịch bệnh, nhất là các virus đốm trắng, đầu vàng, vi khuẩn phát sáng và bệnh EMS. Tôm nuôi ở độ mặn thấp có hiệu quả rõ rệt trong việc kiểm soát vi khuẩn Vibrio trong nước. Vì vậy, một trong những xu hướng nuôi tôm an toàn hiện nay là nuôi tôm với độ mặn thấp (< 10‰). So với tôm sú thì tôm thẻ chân trắng (TTCT) thích nghi độ mặn thấp hơn. TTCT được nuôi ở độ mặn thấp (5 – 15‰) sẽ tăng trưởng nhanh hơn ở độ mặn cao. Đó là do ở độ mặn thấp sự trao đổi chất (protein) trong cơ thể tôm tốt hơn và khi độ mặn thấp thì tôm bị bắt buộc sử dụng tổng acid amin tự do để bù vào sự thay đổi thể tích tế bào. Tuy nhiên, khi áp dụng nuôi tôm ở độ mặn thấp cần có một số lưu ý đặc biệt trong quá trình ương nuôi. Thứ nhất, khi mới bắt đầu đưa vào nuôi, cần hạ độ mặn từ từ, tránh gây sốc cho tôm nuôi. Trong tháng đầu tiên nên duy trì độ mặn không  thấp hơn 7 – 8‰, sang tháng thứ 2 nên duy trì độ mặn không thấp hơn 5‰. Và một lưu ý hết sức quan trọng, khi nuôi ở độ mặn thấp các ion Ca++, Mg++, Na+, K+… sẽ thấp nên quá trình lột xác xảy ra không đồng đều, tôm sẽ bị mềm vỏ sau khi lột xác, dễ bị tôm khác tấn công, ăn thịt, tỷ lệ hao hụt cao. Vậy bổ sung định kỳ hàm lượng khoáng vào ao nuôi và trộn Vitamin C vào thức ăn với liều lượng 60 mg/kg thức ăn cho ăn hằng ngày.

Kiểm tra tôm nuôi – Ảnh: Thanh Nhã

 

Mật độ thấp

Tôm nuôi ở mật độ thấp có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với tôm nuôi ở mật độ cao. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, khi nuôi TTCT giống sạch bệnh, bể composite trong nhà, môi trường nuôi tương đồng nhau với những mật độ 40 con, 60 con, 80 con cho những kết quả nuôi khác nhau. Tỷ lệ phân đàn về khối lượng của tôm sau khi thu hoạch nuôi tương ứng mật độ lần lượt: 7,27%; 8,22%; 12,9%. Tỷ lệ sống đạt lần lượt: 79,7%; 78,7%; 70,3%. Hệ số chuyển đổi thức ăn cũng bị ảnh hưởng với các mật độ như trên hệ số chuyển đổi thức ăn lần lượt là 1,39; 1,44; 1,47. Trong điều kiện nghiên cứu cho tôm ăn theo nhu cầu, không có ảnh hưởng của sự cạnh tranh thức ăn. Như vậy, theo kết quả nghiên cứu, mật độ nuôi ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi tôm thương phẩm. Nuôi với mật độ càng cao thì tốc độ tăng trưởng càng chậm, tỷ lệ sống càng thấp, tỷ lệ phân đàn và hệ số chuyển đổi thức ăn cao. Nguyên nhân dẫn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm giảm khi nuôi với mật độ cao là do mức độ stress của tôm nuôi. Khi nuôi tôm với mật độ càng cao thì mức stress của tôm càng nặng. Cần phải tính toán kỹ mật độ tôm thả nuôi tùy theo điều kiện chăm sóc.

 

Độ kiềm cao

Độ kiềm ảnh hưởng gián tiếp lên năng suất sinh học sơ cấp trong ao. Khi độ kiềm thấp, một vài thành phần hóa học cần thiết cho sự phát triển của vi tảo sẽ bị thiếu. Bicarbonat là dạng chính của độ kiềm. Trong ao nuôi TTCT, độ kiềm không được thấp hơn 80 mg/l CaCO3 để đảm bảo cho tôm tăng trưởng và tỷ lệ sống cao. Khi độ kiềm thấp, pH sẽ biến động và gây stress, giảm tăng trưởng và thậm chí gây chết tôm. Độ kiềm thấp có thể do nguồn nước có độ kiềm thấp hoặc có sự hiện diện của động vật thân mềm hai mảnh vỏ trong ao, chúng hấp thụ muối carbonat và lọc hết tảo làm thức ăn, kết quả là làm nước trong và có độ kiềm rất thấp. Natri bicarbonat (NaHCO3) và vôi tôi Ca(OH)2 là những hóa chất được khuyến cáo để nâng cao độ kiềm trong ao. Mặc dù vôi tôi được sử dụng phổ biến, việc sử dụng cân bằng nguồn thức ăn cũng có thể làm tăng độ kiềm do tăng hàm lượng ion carbonat.

 

Ôxy cao

Các thống kê sơ bộ chỉ ra rằng phần lớn các ao nuôi có tần suất thành công cao trong thời gian vừa qua đều cung cấp ôxy rất tốt, quản lý nồng độ ôxy có hiệu quả. Hàm lượng ôxy hòa tan thấp khiến tôm ăn ít và ăn chậm, dẫn đến hiện tượng thừa thức ăn, ô nhiễm nguồn nước. Với hàm lượng ôxy thấp hơn 2 mg/l sau 1 tiếng tôm ăn lượng thức ăn thừa khoảng 45%. Hàm lượng ôxy thấp dẫn đến hệ số chuyển hóa thức ăn cao, tôm chậm lớn, dễ cảm nhiễm bệnh do vi khuẩn đặc biệt là các bệnh phân trắng, tỷ lệ sống thấp, tăng trưởng chậm. Trong ao nuôi 4 ppm là hàm lượng ôxy cần thiết để tôm hoạt động bình thường, môi trường ổn định, tôm tăng trưởng tốt. Hiện có nhiều thiết bị cung cấp ôxy trong ao nuôi tôm: quạt nước, các đĩa hoặc ống aero tube, cung cấp ôxy đáy, quạt nước truyền thống, quạt lông nhím. Cần bố trí, quản lý thích hợp hàm lượng ôxy hòa tan để đảm bảo cho quá trình nuôi hiệu quả.

>> Kiểm soát chất lượng nước là yếu tố quan trọng. Chất lượng nước không ổn định ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất và tiến trình sinh lý khác của vật nuôi, làm chậm tăng trưởng, tăng stress, dẫn đến mẫn cảm với bệnh tật, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng.

Nhật Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!