Tôm thẻ chân trắng – Tiềm năng và thách thức

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2013, tôm thẻ chân trắng (TTCT) thiết lập những kỷ lục mới và lần đầu tiên “soán ngôi” tôm sú về năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, một thách thức mới đang đặt ra…

Tiềm năng mới

Thu hoạch trên 60 tấn TTCT với diện tích nuôi 8 ha, bán được trên 7 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư ban đầu hơn 1,5 tỷ đồng, lãi ròng hơn 2,5 tỷ đồng, ông Văn Tốt (ấp 4, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) được xếp vào tốp 10 “kiện tướng” nuôi TTCT có lợi nhuận cao nhất tỉnh.

Còn ông Ngô Văn Kim (ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông), qua nhiều năm nuôi tôm sú đã chuyển 4,5 công đất nuôi tôm sú sang nuôi TTCT. Sau gần 3 tháng nuôi, ông thu lãi hơn 330 triệu đồng. Thời gian nuôi ngắn hơn tôm sú 1,5 – 2 tháng, nhưng lợi nhuận hấp dẫn không thua tôm sú.

2013, nhiều nông dân nuôi TTCT đạt lợi nhuận 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha – Ảnh: Huy Hùng

Ông Dương Văn Đởm, Trưởng phòng NN&PTNT Cầu Ngang đánh giá, năm 2013, mô hình nuôi TTCT có 2.133 lượt hộ thả nuôi với lượng con giống 556 triệu con, diện tích thả nuôi trên 1.442 ha (bằng 45% diện tích tôm sú) nhưng sản lượng tôm thương phẩm đạtkhoảng 8.000 tấn (gần gấp đôi tôm sú), hơn 83,90% hộ nuôi có lãi. Thành công bước đầu này mở ra triển vọng mới trong đa dạng con nuôi ở Cầu Ngang và là lần đầu tiên TTCT vượt tôm sú cả về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu… Theo Sở NN&PTNT Trà Vinh, năm 2013, diện tích thả nuôi TTCT toàn tỉnh khoảng 2.323 ha (chưa bằng 10% tôm sú) nhưng tổng sản lượng tôm thương phẩm tăng khoảng 10.000 tấn so năm 2012.

 

Và thách thức mới

Mùa tôm 2014, các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành (Trà Vinh) có kế hoạch thả nuôi 4.240 ha (tăng gần 2 lần), sản lượng 14.400 tấn TTCT (tăng 4.400 tấn). Riêng huyện Cầu Ngang, nơi phát triển mạnh nhất TTCT đang vào vụ, phong trào nuôi TTCT đang phát triển ồ ạt, vượt khả năng kiểm soát của ngành chức năng. Đây là điều chính quyền địa phương lo lắng, khi diện tích TTCT dự báo tăng đột biến trong vụ nuôi 2014.

Trong khi nguồn lực nông dân, quản lý nhà nước (cơ sở hạ tầng điện, thủy lợi, vốn, con giống, kỹ thuật) còn nhiều bất cập thì phát triển TTCT đại trà không theo quy hoạch là một thách thức lớn. Với tốc độ phát triển TTCT như hiện nay, dịch bệnh có thể tái phát.

Thạc sĩ Phạm Minh Truyền, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh phân tích: Năm 2014, theo dự báo của Tổng cục Thủy sản và VASEP, TTCT sẽ được nuôi lại ở Trung Quốc, Thái Lan; sản lượng TTCT sẽ tăng nhiều. Trong nước, từ thắng lợi vụ nuôi 2013, các tỉnh ĐBSCL tăng mạnh diện tích nuôi TTCT, dẫn đến sản lượng tôm tăng mạnh. Tại Trà Vinh, khuyến cáo nông dân chỉ phát triển nuôi TTCT theo quy trình thâm canh, bán thâm canh (công nhiệp, bán công nghiệp) theo cơ cấu hợp lý giữa tôm sú và TTCT. Toàn tỉnh hiện có hơn 7.500 ha nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh. Như vậy diện tích nuôi TTCT không quá  3.750 ha. Đặc biệt, chỉ nên phát triển diện tích nuôi ở vùng hội đủ điều kiện nguồn điện, thủy lợi tốt, giao thông thuận lợi. Chỉ phát triển nuôi thâm canh, bán thâm canh; không phát triển quảng canh, quảng canh cải tiến. Các nhà khoa học khuyến cáo: sự phát triển TTCT trắng ồ ạt, không tuân thủ qui hoạch có thể tác hại về đa dạng sinh học cũng như nguồn nguyên liệu tôm sú bản địa. Diện tích TTCT đang phát triển nóng, gây ra sự cạnh tranh gay gắt giữa hai loại tôm nội và ngoại. Môi trường ngày càng ô nhiễm trước tác động biến đổi khí hậu, nếu không có giải pháp qui hoạch, phát triển đồng bộ, quản lý chặt chẽ vùng nuôi…

 >> Theo TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, việc phát triển TTCT ở Việt Nam gây nhiều quan ngại. Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống tôm này. Chi phí cho con giống khá lớn mà hiệu quả chưa ổn định.

Diệu Hiền

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!