Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong nuôi trồng thủy sản. Bởi đây được coi là nghề dễ thu lợi nhuận nhưng cũng đầy rủi ro. Vì ngoài cần cù, chịu khó, họ còn phải dựa nhiều vào may mắn, nhất là phải có “thiên thời”.
Nông dân làm giàu nhờ thủy sản Ảnh: Diệu Lữ
Mất mùa vì thời tiết
Thực tế nhiều năm nay cho thấy, không ít người nuôi và không ít diện tích nuôi thủy sản bị mất trắng bởi những tình huống ngoài khả năng ứng phó của con người. Mới đây nhất, là trận hạn hán lịch sử khu vực ĐBSCL. Đợt hạn và xâm nhập mặn kỷ lục lần này khiến lĩnh vực trồng lúa gánh chịu hậu quả nặng nề nhất; còn ở lĩnh vực thủy sản, nhiều người nuôi cũng bị trắng tay, với tổng diện tích bị thiệt hại đến gần 7.000 ha, trong đó nặng nhất là tôm nuôi nước lợ.
Cũng do tác động của xâm nhập mặn, diện tích vùng nuôi thủy sản bị thu hẹp đáng kể. Hầu như toàn bộ vùng quy hoạch nuôi tôm nước lợ đều bị tác động. Một số mô hình nuôi được đánh giá là bền vững như tôm – lúa, tôm quảng canh, quảng canh cải tiến… cũng không tránh khỏi.
Liền sau đó, nhiều người nuôi hạn chế thả giống để chờ thời tiết tốt hơn. Tình hình này đã dẫn đến thực tế thiếu nguồn nguyên liệu tại nhiều nhà máy chế biến thủy sản trong vùng. Hầu hết công suất hoạt động của các nhà máy đều giảm sút đáng kể. Như tại Cà Mau, có đến 17 cơ sở thiếu nguyên liệu, chiếm gần 50% số nhà máy đang hoạt động.
Với những người nuôi lồng bè, thảm họa của họ là những trận lũ lụt, mưa bão. Mỗi cơn lũ đi qua là tài sản của họ bị cuốn trôi. Điển hình như năm 2015, trận lũ quét trên các sông ở miền Bắc đã khiến nhiều lồng bè nuôi cá tan hoang; hay ngay cuối năm 2016, lũ lớn tại miền Trung đã khiến nhiều bè nuôi khốn đốn. Tại Hà Tĩnh, hàng trăm lồng bè nuôi cá tại xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà vã xã Thạch Hà, TP Hà Tĩnh bị lũ cuốn khiến người dân lâm cảnh nợ nần…
Có gan làm giàu…
Không đấu lại thiên tai, thế nhưng thất bại không thể khuất phục được họ. Điển hình như ông Nguyễn Trung Tựu, một cựu chiến binh ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Sau khi nghỉ hưu, ông Tựu dồn hết vốn liếng thuê ao đầm để xây dựng cơ sở nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy. Công việc làm ăn thuận lợi, ông liên tục mở rộng cơ sở nuôi, thu được nhiều thành quả. Vậy nhưng khi đà phát triển đang mạnh, trận lũ năm 2015 tràn qua đã càn quét toàn bộ quy mô nuôi lồng bè của ông, thiệt hại lên đến 20 tỷ đồng. Tài sản mất trắng, nhưng với bản lĩnh không đầu hàng gian khó, ông động viên người thân trong gia đình nhanh chóng khắc phục; và chỉ chưa đầy 2 tháng, toàn bộ cơ ngơi được gây dựng lại.
Thành tích vượt trội của cơ sở nuôi cá lồng này được nhiều ban ngành của Trung ương và tỉnh Hải Dương khen thưởng. Năm 2014, ông cũng là một trong những đại diện xuất sắc của Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam.
Nói vậy để thấy, Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam luôn xác định đúng hướng đi với những tiêu chí rõ ràng và sát thực tế. Đó là tôn vinh người thật việc thật, đặc biệt là những người trực tiếp sản xuất, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, mà còn lan tỏa ra cộng đồng.
Năm nay cũng vậy, bên cạnh những cá nhân, tập thể, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, hay lĩnh vực hậu cần thì Ban tổ chức cũng đã thông qua Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên hệ trực tiếp với những người nuôi trồng thủy sản. Bởi họ dù không thể so sánh hiệu quả kinh tế với những thành viên khác, nhưng là những người rất xứng đáng được quan tâm và tôn vinh. Khi họ đã chứng minh cho sự vươn lên của những người dân nơi vùng đất tưởng chừng như bỏ đi; sự khai phá của họ không chỉ là cơ hội làm giàu cho gia đình, mà còn giúp nhiều người dân xung quanh cùng làm giàu và mở hướng phát triển kinh tế của mỗi địa phương.
>> Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam lần thứ 4 năm 2017 đã đi đến giai đoạn cuối cùng. Thường trực Ban tổ chức đang hoàn tất công việc để chuẩn bị cho Hội đồng bình chọn thực hiện nhiệm vụ. Với sự công tâm và nhiệt tình, giải thưởng năm nay chắc chắn sẽ không phụ lòng mong mỏi của các cấp, ngành và các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia. |