Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản vừa ký ban hành Công văn số 2428/TCTS-NTTS về việc tăng cường quản lý nuôi cá tra để đảm bảo triển khai kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2015 phát triển ổn định và đạt hiệu quả.
Hiện nay lũ đầu nguồn sông Mê Kông bắt đầu lên cao, biên độ nhiệt độ ngày đêm cao tạo điều kiện cho dịch bệnh trên cá tra phát triển như bệnh: xuất huyết, gan thận mủ, ký sinh trùng… Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi sự tăng giá của đồng USD với đồng tiền khác, đặc biệt là đồng tiền của các nước là thị trường chính xuất khẩu cá tra và một số rào cản kỹ thuật, sự cạnh tranh của cá rô phi, cá minh thái… Do đó, thị trường xuất khẩu cá tra dự báo tiếp tục gặp khó khăn nên ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ cá tra nguyên liệu, trong khi giá vật tư đầu vào tăng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.
Trước tình hình trên, để đảm bảo triển khai kế hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra phát triển ổn định và đạt hiệu quả, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường quản lý, sản xuất nuôi cá tra năm 2015. Cụ thể, cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ ao nuôi/vùng nuôi; phổ biến, hướng dẫn lựa chọn giống cá tra có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; tăng cường khuyến cáo người nuôi cân nhắc thời gian thả giống phù hợp và thả nuôi với mật độ hợp lý (30 – 40 con/m2).
Người nuôi cá tra cần tăng cường quản lý, giám sát ao nuôi – Ảnh: Ngọc Trinh
Kịp thời khuyến cáo người nuôi tăng cường gia cố bờ bao đảm bảo vững chắc, tránh rò rỉ sạt lở gây thất thoát trong mùa lũ. Cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, không sử dụng các loại hóa chất, thuốc trong danh mục cấm sử dụng, sử dụng thuốc kháng sinh/hóa chất đúng liều, đúng thời gian; sử dụng chế phẩm sinh học, vitamin hợp lý trong quá trình nuôi nhằm tăng sức đề kháng cho cá và giữ môi trường bền vững.
Chủ động quan trắc, cảnh báo môi trường, cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người nuôi. Khuyến cáo người nuôi thực hiện chế độ cho ăn và quản lý phù hợp, tránh lãng phí thức ăn và ô nhiễm môi trường; xác định đúng tỷ lệ sống của cá, định lượng đúng khẩu phần thức ăn hàng ngày, sử dụng thức ăn đúng kích cỡ, có chất lượng tốt, áp dụng phương pháp cho ăn gián đoạn 5 + 1 (cho ăn 5 ngày liên tục và nghỉ 1 ngày) hoặc 7 + 2 (cho ăn 7 ngày liên tục và nghỉ 2 ngày)… để nâng cao hiệu quả sản xuất (giảm FCR và chất thải gây ô nhiễm môi trường nuôi).
Thực hiện nghiêm quy hoạch vùng nuôi cá tra, tuyệt đối không xác nhận nuôi thương phẩm đối với những ao nuôi/vùng nuôi cá tra nằm ngoài quy hoạch. Hoàn thành việc cấp mã số nhận diện cơ sở/ao nuôi; đôn đốc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận quốc tế khác cho cơ sở đang nuôi. Tăng cường kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở theo quy định tại Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT và Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT.
Tăng cường phối hợp giữa các Chi cục Thủy sản/Thú y/Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản để triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch bệnh, kiểm tra điều kiện cơ sở ao nuôi/vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho tổ chức, hộ nuôi cá tra tuân thủ các quy định của pháp luật về nuôi cá tra.
>> Tình hình sản xuất cá tra trong tháng 8 khá trầm lắng, nhu cầu cá tra nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến không cao; giá cá tra vẫn đang duy trì ở mức thấp, dao động bằng giá thành sản xuất; tuy nhiên, một số địa phương các hộ nuôi cá thể đã tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cá tra có hiệu quả nên vẫn tiếp tục thả nuôi như Đồng Tháp, An Giang. |