Tổng cục Thủy sản: Công bố kết quả dịch bệnh trên tôm nước lợ

Chưa có đánh giá về bài viết

Cuộc họp báo diễn ra chiều 26/2, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn chủ trì.

Theo báo cáo, hai năm gần đây dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng cho người dân, riêng năm 2012, tại 30 tỉnh/thành nuôi tôm nước lợ trong cả nước với tổng diện tích 657.523 ha, đạt sản lượng 476.424 tấn, tăng 0,2% về diện tích nhưng giảm 3,9% về sản lượng. Trong đó, có khoảng 100.776 ha nuôi tôm nước lợ thiệt hại do dịch bệnh (tôm sú: 91.174 ha, tôm thẻ chân trắng: 7.068 ha); gồm hội chứng gan tụy cấp tính (AHPNS), đốm trắng, đầu vàng…

Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã huy động mọi nguồn lực (trong đó, Tổng cục Thủy sản có vai trò chủ chốt) cùng vào cuộc tìm nguyên nhân gây bệnh và biện pháp khắc phục. Tập trung vào việc xây dựng định nghĩa bệnh, bản đồ dịch tễ, vai trò của các yếu tố vô sinh (nhiệt độ, độ mặn, thuốc BVTV…), các yếu tố hữu sinh (tảo độc, vi khuẩn, ký sinh trùng…).  Sau thời gian triển khai nghiên cứu, Tổng cục Thủy sản đã tổng hợp và phân tích nguyên nhân gây tôm chết sớm, xuất hiện hoại tử gan tụy ở tôm nuôi là: tôm giống với chất lượng xấu (nhiễm Vibrio, có dấu hiệu bất thường gan tụy, thậm chí đã hoại tử gan tụy cấp), thả nuôi trong điều kiện môi trường bất lợi (hiện diện của thuốc BVTV, ôxy hòa tan thấp, độ mặn cao, ô nhiễm hữu cơ…), hiện diện của vi khuẩn Vibrio và Phage (là “thể thực khuẩn”, có một loại virus chỉ chuyên tấn công vi khuẩn, nó sống ký sinh vào cơ thể vi khuẩn và cuối cùng làm tan rã vi khuẩn) dẫn đến gây chết và hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm nuôi.

Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, xác định được nguyên nhân gây dịch bệnh trên tôm là kết quả đáng ghi nhận, người nuôi sẽ có thêm thông tin về tác nhân gây hiện tượng tôm chết nhiều như thời gian qua, từ đó tuân thủ nghiêm kế hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương, theo lịch thời vụ, không thả nuôi nguồn giống trôi nổi, chưa qua kiểm dịch, chất lượng không đảm bảo. Đồng thời, yêu cầu các địa phương ngoài kiểm dịch nguồn giống nhập khẩu, cần tăng cường kiểm tra chất lượng nguồn giống sản xuất tại địa phương, công bố lịch mùa vụ cụ thể, để đảm bảo vụ nuôi an toàn, sạch bệnh, năng suất cao.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!