T2, 06/07/2020 09:48

TP. HCM: Báo động ô nhiễm nguồn nước nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong những năm gần đây, các nước nhập khẩu thủy sản Việt Nam liên tục cảnh báo về việc thủy sản xuất khẩu nước ta chứa nhiều tạp chất. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xuất khẩu thủy sản và đời sống người dân sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản.

Nhiều sông rạch ô nhiễm

       Ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết 3 yếu tố khiến cho việc nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn là nguồn nước đầu vào, quá trình chăm sóc thủy sản và “sức khỏe ông trời”. Trong đó, yếu tố nguồn nước đầu vào đóng vai trò rất quan trọng. Nếu chất lượng nguồn nước đầu vào tốt sẽ giúp người dân giảm sử dụng hóa chất để làm sạch nước nuôi, dẫn đến quá trình chăm sóc thủy sản cũng thuận lợi hơn; giảm đáng kể tình trạng phòng bệnh và chữa bệnh cho thủy sản, nhất là thủy sản sau thu hoạch cũng ít nhiều chứa tạp chất trong quá trình nuôi. Nhưng điều đáng lo ngại là hiện nguồn nước đầu vào sử dụng nuôi trồng thủy sản đang có chiều hướng bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp.

Nông dân xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè rửa đầm tôm chuẩn bị cho mùa kế tiếp. Ảnh: T.HỒNG

       Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Môi trường và Phát triển bền vững, hệ thống kênh rạch ở TPHCM đã bị ô nhiễm mức trung bình đến nghiêm trọng. Trong đó, ô nhiễm ở mức nghiêm trọng là kênh rạch thuộc khu vực nội thành. Các sông nhỏ thuộc Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi đã bị ô nhiễm nặng. Phần lớn sông Sài Gòn, Đồng Nai và toàn bộ các sông Nhà Bè, Lòng Tàu, Soài Rạp, Cần Giờ ô nhiễm ở mức trung bình. Chỉ đoạn ngắn sông Sài Gòn và Đồng Nai còn duy trì ở mức ô nhiễm nhẹ.

       Kết quả này cho thấy chỉ còn rất ít khu vực có thể lấy nguồn nước để nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, đoạn hợp lưu sông Đồng Nai – Sài Gòn đến thượng nguồn hồ Dầu Tiếng (sông Đồng Nai, đoạn từ Tây Ninh đến Bến Đình, cầu Bình Phước đến cầu Sài Gòn (sông Sài Gòn) và một số ít đoạn thuộc sông Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu – Ngã Bảy, Vàm Sát, những đoạn sông như từ Bến Đình – xã Nhị Bình – cầu Bình Phước, cầu Sài Gòn – cảng Tân Thuận – ngã ba hợp lưu sông Đồng Nai, Sài Gòn (thuộc sông Sài Gòn); toàn bộ các sông, rạch Cần Giuộc và Nam Bình Chánh, Nhà Bè; toàn tuyến Lòng Tàu – Gò Da, sông Thị Vải và các kênh rạch nội thành đều không thể sử dụng nước phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Người dân… bỏ nghề

       Trở lại một số khu vực nuôi trồng thủy sản khu vực huyện Nhà Bè, Cần Giờ và Củ Chi, chúng tôi chứng kiến không ít các hộ nuôi tôm, cá giải nghệ vì nuôi thủy sản khó khăn. Chạy dọc theo hệ thống sông Đồng Điền, hầu như không còn hộ nuôi tôm nào bám trụ. Lý do các hộ đưa ra vì KCN Hiệp Phước đang xây dựng thêm nhiều nhà máy sản xuất. Việc nuôi tôm do lấy nước trực tiếp từ sông Đồng Điền, dẫn đến tôm chết hàng loạt rất cao. Hiện hầu hết các hộ từng nuôi tôm mà lấy nước tại sông Đồng Điền đều chuyển sang lấy nước tại các hệ thống sông khác (Soài Rạp, kênh Lộ – Rạch Giồng, sông Cần Giuộc…) hoặc đã chuyển địa điểm nuôi tôm tới nơi khác.

       Ông Nguyễn Thanh Thoản, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, cho biết khoảng 2 lần/tháng, đại diện Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Trạm kiểm dịch An Nghĩa sẽ lấy mẫu nước tại hệ thống sông lớn, đầu nguồn sau đó phân tích và khuyến cáo bà con nên ứng phó ra sao trước thực trạng nguồn nước. Việc nông dân lo ngại về nguồn nước nuôi tôm bị ảnh hưởng bởi KCN Hiệp Phước là có cơ sở. Tuy nhiên, cho đến nay để đưa ra kết luận chính xác về vấn đề này cần phải kiểm tra thêm. Đây cũng là thực trạng chung đang diễn ra tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ. Ước tính hiện nay có hơn 3.000 hộ nuôi trồng thủy sản tại các quận huyện trên. Không ít nông dân đang “mất ăn, mất ngủ” trước vụ tôm mới.

       Theo TS Lê Văn Khoa, việc nuôi trồng thủy sản với mật độ quá dày, quy trình nuôi không đảm bảo tiêu chuẩn, các cơ sở chế biến chưa đảm bảo quy trình sản xuất sạch cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thủy sản sau chế biến. Đã đến lúc, nhà nông cần sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà nước và các nhà khoa học để từng bước hoàn thiện quy trình nuôi tôm, giảm thiểu tối đa những thiệt hại phát sinh do nguồn nước nuôi không đảm bảo. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần thắt chặt hơn việc kiểm tra xả thải của các doanh nghiệp, đồng thời sớm quy hoạch phân vùng bảo vệ nguồn nước nuôi trồng thủy sản.

ÁI VÂN – THI HỒNG

Sài Gòn Giải Phóng, 07/03/2011

   

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!