Từ năm 2013 – 2015, qua việc lấy mẫu xét nghiệm tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm thịt kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ bình quân số mẫu tồn dư kháng sinh chiếm đến 27,12%, trong đó Sulfadimidin là 14,83%, Tetracycline là 12,30%.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 5 năm (2011 – 2015) thực hiện chỉ thị số 08 CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong tình hình mới”, do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây.
Tại chợ đầu mối Bình Điền, lực lượng chức năng đã phát hiện một lượng khá lớn các mẫu thủy sản có dư lượng hóa chất và kháng sinh cấm. Từ năm 2011 đến 2015, các cơ quan chức năng đã lấy 1.025 mẫu để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm trong thủy sản, đã phát hiện 31 mẫu có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm (trong đó có 7 mẫu nhiễm vi sinh, 4 mẫu nhiễm Triclofon, 20 mẫu nhiễm kháng sinh cấm).
Nguyên nhân là do năng lực kiểm nghiệm của các cơ quan kiểm nghiệm, các phòng thí nghiệm trên địa bàn thành phố chưa đảm bảo công tác dự báo, phân tích mối nguy cơ về chất lượng sản phẩm nên chưa tạo cơ sở vững chắc cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử phạt vi phạm hành chính và xử lý lô hàng vi phạm. Ngoài ra, thực phẩm từ các tỉnh, thành khác đưa về thành phố tiêu thụ chiếm đến 80% trong tổng số thực phẩm nhưng việc phối hợp trong quản lý an toàn thực phẩm giữa thành phố và các tỉnh, thành khác chưa đồng bộ. Mặt khác, chưa có quy định về giấy chứng nhận an toàn thực phẩm kèm theo lô hàng nên gây khó khăn cho thành phố trong việc phát hiện và truy nguyên nguồn gốc để kịp thời thu hồi và xử lý tận gốc.