(TSVN) – Mới đây, Sở NN&PTNT Trà Vinh đã khuyến cáo đến người nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh hạn chế thả giống trong giai đoạn nhiệt độ giảm thấp hiện nay, chờ đến khi nhiệt độ ổn định mới tiến hành thả giống.
Theo lịch thời vụ thả nuôi một số đối tượng thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh mùa vụ năm 2020 – 2021 thì thời điểm thả nuôi tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) trong tỉnh sẽ bắt đầu từ ngày 15/12/2020. Tuy nhiên, từ đầu tháng 1/2021 đến nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ giảm thấp (giao động từ 22 – 28oC), không thuận lợi cho sự phát triển của một số đối tượng thủy sản nuôi đặc biệt là tôm nuôi nước lợ trong giai đoạn mới thả giống. Đồng thời, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong thời gian từ tháng 1 – 2/2021 thời tiết diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện những cơn mưa trái mùa và không khí lạnh tăng cường kéo dài gây nhiều bất lợi cho tôm nuôi, là điều kiện dễ phát sinh một số bệnh nguy hiểm cho tôm. Để đảm bảo Kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2021 đạt hiệu quả, hạn chế rủi ro thiệt hại, tránh để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, Sở NN&PTNT Trà Vinh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tuyên truyền và khuyến cáo người nuôi hạn chế thả giống trong giai đoạn nhiệt độ giảm thấp, theo dõi diễn biến thời tiết môi trường chờ đến khi nhiệt độ ổn định trong khoảng 27 – 33oC mới tiến hành thả giống để hạn chế rủi ro thiệt hại, tránh xảy ra dịch bệnh trên diện rộng ảnh hưởng đến sản xuất tôm nước lợ năm 2021.
Ao nuôi tôm thẻ chân trắng của nông dân huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
Đồng thời, để thực hiện lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ, các địa phương cần phổ biến kỹ để người dân nắm bắt những lưu ý trong quá trình thả giống nhằm giảm thiểu thiệt hại; khuyến cáo trước khi thả tôm 5 – 10 ngày, các hộ nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết, nếu bất lợi thì tạm ngưng việc thả giống. Các hộ nuôi trong cùng tổ cộng đồng, tổ liên kết cần tổ chức nạo vét kênh mương để tăng khả năng cấp, thoát nước trong khu vực nuôi của mình, cần thả giống đồng loạt ở những vùng nuôi tập trung; sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chất xử lý cải tạo môi trường thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam… Các hộ nuôi tôm thương phẩm cần đặc biệt lưu ý việc nuôi theo quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất, nuôi trồng thủy sản của chính quyền địa phương; nghiêm túc thực hiện lịch thời vụ, thả tôm với mật độ phù hợp theo hình thức nuôi; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình sản xuất để nuôi tôm đạt hiệu quả cao. Đăng ký đối tượng nuôi chủ lực, kê khai ban đầu và thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương; ghi chép nhật ký và lưu trữ hồ sơ đối với mỗi đợt sản xuất; có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý thủy sản khi phát hiện diễn biến môi trường hoặc tôm nuôi có dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời…