Trà Vinh: Ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau 2 năm triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Trà Vinh và thu được kết quả có triển vọng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai cho năm thứ 3 với công nghệ với hệ thống giám sát cảnh báo môi trường tự động.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang dần trở nên phổ biến và có hiệu quả rõ rệt những năm gần đây. Với phương thức nuôi 2 – 3 giai đoạn, tăng mật độ thả lên đến 150 – 300 con/m2. Cùng hệ thống nuôi đầy đủ ao chứa, ao lắng, ao ương, ao nuôi có mương cấp nước và thoát nước riêng biệt.

Những năm trước, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh phát động chính sách hỗ trợ hộ nuôi chuyển đổi mô hình nuôi công nghệ trong nuôi tôm và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông sẽ hỗ trợ 50% chi phí từ con giống, thức ăn, thuốc đến thiết bị tự động, nông dân sẽ chịu 50% chi phí còn lại. Kết quả, hai hộ nuôi thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn, kết hợp hầm biogas xử lý môi trường một năm trước tại tỉnh Trà Vinh. Mỗi hộ thả 600.000 con tôm giống trên diện tích 3.000 m2 và thu trên 19 tấn sau 75 ngày thả nuôi, lãi hơn 350 triệu đồng. Tôm đạt trọng lượng 63 con/kg, năng suất là 31,7 tấn/ha/vụ.  

Lắp đặt máy đo môi trường tại mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Trà Vinh. Ảnh: Farmext

Cuối tháng 4/2022, Trung tâm triển khai mô hình nuôi tôm ao bạt với diện tích 1600 m2, trang bị đầy đủ dàn quạt sục khí cho đến hệ thống giám sát trại nuôi tự động. Sự khác biệt của mô hình nuôi tôm công nghệ cao năm nay là việc kết hợp giữa nuôi 2 giai đoạn với hệ thống giám sát cảnh báo môi trường tự động trong suốt quá trình nuôi. Trong hệ thống giám sát tự động mà Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh ứng dụng vào mô hình bao gồm: 1 máy đo môi trường tự động, tủ điều khiển các thiết bị ao nuôi từ xa, máy cho ăn tự động…

Giải pháp mang lại một ao nuôi tự động vận hành. Từ việc cho ăn, bật tắt quạt sục khí, đo môi trường, nhận biết dịch bệnh cho đến báo cáo thu chi, quản lý tồn kho đều được tự động hóa. Chủ nuôi chỉ cần giám sát thông qua chiếc điện thoại di động có kết nối wifi, dễ dàng nắm bắt kịp thời tình hình ao trại và các vấn đề kỹ thuật, nhân công làm việc có hiệu quả không. Giúp tiết kiệm các chi phí về điện, nhân công, giảm bớt rủi ro vận hành do con người và dễ dàng mở rộng quy mô, gia tăng hiệu quả kinh tế.

Theo Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh, hiện Trà Vinh là một trong những tỉnh đi đầu trong việc ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao toàn diện, thực hiện kịp theo nghị định Chính phủ trong nhiệm vụ chuyển đổi số cho nông nghiệp thủy sản. Trung tâm mong muốn những hộ nuôi ở Trà Vinh có thể cải thiện kinh tế từ thế mạnh của tỉnh đó là nuôi tôm. Cải thiện đời sống người dân và duy trì nghề nuôi trồng thủy sản cho tỉnh.

Bùi Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!