Ngày 16/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Công văn số 537/TTg-KTN về việc đồng ý xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn (TTNCL) tại tỉnh Kiên Giang. Địa điểm được lựa chọn xây dựng tại xã Tây Yên A, huyện An Biên gắn với ngư trường Tây Nam bộ.
Việc lựa chọn vị trí cụ thể để xây dựng cảng cá động lực thuộc TTNCL Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ được các cơ quan quản lý chuyên ngành của tỉnh Kiên Giang cùng đơn vị tư vấn nghiên cứu thận trọng, kết hợp với điều tra, khảo sát thực địa tại hiện trường, bảo đảm đúng các tiêu chí quy định. Cụ thể, về các nhóm tiêu chí: Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi; Khả năng thu hút các nguồn lực, tạo sức hút về thị trường, gắn kết các khâu trong chuỗi làm tăng giá trị các sản phẩm thủy sản; Có sự thống nhất với các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển; Có nguồn nhân lực dồi dào; Kinh tế thủy sản có vai trò quan trọng đối với kinh tế vùng và vị trí gắn với an ninh quốc phòng, biển đảo; Độ rủi ro thấp.
Địa điểm được chọn đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; trong đó, có tiêu chí cảng cá động lực thuộc TTNCL và được lựa chọn xây dựng TTNCL và Văn bản số 7787/BNN-TCTS ngày 22/9/2015 về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến lập quy hoạch và triển khai xây dựng các TTNCL gắn với ngư trường trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020.
Cảng cá Nam Du, Kiên Giang – Ảnh: Huy Hùng
Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, khu vực cửa sông Cái Lớn, Cái Bé đã và sẽ là TTNCL Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ. Tại đây đã có cảng cá – khu dịch vụ hậu cần nghề cá Tắc Cậu được xây dựng từ năm 2003 bên bờ hữu sông Cái Bé, từ bến phà Tắc Cậu đến rạch Cà Lang (chiều dài dọc bờ sông khoảng 1 km), tổng diện tích khoảng 32 ha. Ngay từ khi hoàn thành đưa vào khai thác, cảng cá Tắc Cậu đã phát huy rất tốt vai trò cảng cá động lực, thu hút một lượng lớn tàu thuyền và sản lượng hải sản đánh bắt từ ngư trường Tây Nam bộ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến thủy sản.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định Tắc Cậu là một trong hai trung tâm chế biến thủy sản quy mô cấp vùng (cùng với trung tâm tại thành phố Cà Mau). Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến 2030 cũng đã xác định cảng cá Tắc Cậu là cảng cá loại I. Việc hình thành TTNCL Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ tại khu vực cửa sông Cái Lớn, Cái Bé là phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng và cả nước. Đây cũng là địa bàn tập trung các nguồn lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, tài chính, tập trung các doanh nghiệp tạo nên các bước đột phá phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa ngành thủy sản.
Việc thực hiện triển khai dự án là cần thiết và sẽ mang lại các hiệu ứng tích cực trong phát triển ngành thủy sản và phát triển kinh tế biển của tỉnh Kiên Giang và toàn vùng Tây Nam bộ.
>> Đầu tư TTNCL Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ là đầu tư một khu công nghiệp thủy sản, một tụ điểm thu hút kỹ thuật, công nghệ, tài chính nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất thủy sản trên vành đai kinh tế Vịnh Thái Lan, nối liền BangKok – Phnompenh – Hà Tiên – Cà Mau. |