Thị trường có nhu cầu lớn, lượng cá ngừ khai thác thường không đủ đáp ứng. Do vậy, việc phát triển nghề nuôi thương phẩm cá ngừ là rất cần thiết.
Giá trị lớn, nhu cầu cao
Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, cá ngừ ở nước ta trữ lượng lớn; trong đó 3 loài chính là cá ngừ sọc dưa (khoảng 800.000 tấn), vây vàng (45.000 tấn), mắt to (khoảng 28.000 tấn). Cá ngừ mắt to (Thunnus obesus) và vây vàng (Thunnus albacares) có giá trị cao, được khai thác nhiều nhất. Cá ngừ đại dương di cư rất xa, có thể qua vùng biển nhiều quốc gia. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhưng hiểu biết của con người về sự di cư của cá ngừ vẫn chưa bao nhiêu.
Việt Nam có nhiều tiềm năng khai thác và nuôi cá ngừ đại dương – Ảnh: Xuân Trường
Ở Việt Nam, nghề câu cá ngừ đại dương ra đời năm 1994, từ phương pháp câu của ngư dân Phú Yên. Sau đó, nghề này lan rộng, phát triển trở thành thế mạnh của ngư dân khai thác xa bờ một số tỉnh Nam Trung bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa…). Đến nay, cá ngừ đã trở thành một thương hiệu của Việt Nam. Chỉ 8 tháng đầu năm 2012, giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang EU đã gần 74 triệu USD, tăng 51,5% so cùng kỳ năm ngoái. Cá ngừ Việt Nam được xuất sang 87 nước, trong đó 20 nước thuộc EU.
Phát triển nghề nuôi
Trên thế giới, việc nuôi thương phẩm và sinh sản nhân tạo một số loài cá ngừ đại dương đã có nhiều thành công và những bước tiến quan trọng. Để phát triển nghề nuôi cá ngừ tại Việt Nam, năm 2007, Viện Nghiên cứu Hải sản đã thực hiện đề tài Nghiên cứu ngư trường, công nghệ khai thác cá ngừ đại dương giống phục vụ nuôi thương phẩm.
Sau 3 năm triển khai, lần đầu tiên Việt Nam đánh bắt được cá ngừ đại dương giống và vận chuyển thành công hơn 700 con giống về cơ sở nuôi thương phẩm tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Cá ngừ nuôi thương phẩm từ con giống có trọng lượng ban đầu 3 – 5 kg/con, sau 10 tháng nuôi có thể đạt cỡ thu hoạch 25 – 40 kg/con, tốc độ tăng 2 – 2,5 kg/con/tháng.
Theo nhiều chuyên gia nước ngoài, nuôi cá ngừ thương phẩm ở Việt Nam có tính khả thi và thành công cao. Hiện nay, việc nghiên cứu nuôi thương phẩm, đặc biệt là sinh sản nhân tạo giống cá ngừ ở nước ta đang được triển khai. Những thành công trong tương lai sẽ là bước chuẩn bị quan trọng để tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, thay thế một phần nguồn lợi tự nhiên vốn không ổn định và gặp nhiều khó khăn.
>> Ngày 27/11/2010, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (VINATUNA) được thành lập. VINATUNA ra đời nhằm hợp tác, liên kết trong hoạt động nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên liên quan việc bảo vệ, đánh bắt, kinh doanh, chế biến cá ngừ ở Việt Nam. |