Trở lại tôm – lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị “Phát triển lúa và xây dựng thương hiệu gạo trên vùng luân canh tôm – lúa ở ven biển ĐBSCL”. Cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT, có nhiều nhà khoa học, doanh nhân và lãnh đạo ngành NN&PTNT các tỉnh ven biển ĐBSCL tham dự. Thông tin loan sau hội nghị, một cách khá hoan hỉ là đã đạt được sự đồng thuận cao, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho sự phát triển bền vững vùng đất nước lợ giàu tiềm năng.

Sự loan tin ấy, phản ánh đúng kết quả Hội nghị. Vùng đất nước lợ ven biển ĐBSCL trải nhiều thăng trầm trong quá trình tìm hướng đi lên giàu có và luân canh tôm – lúa là một hướng đi hợp lý. Đây là hệ thống canh tác cho phép sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ được tài nguyên.

Có thể, vùng nước lợ sẽ thoát khỏi dịch bệnh hoại tử gan tụy tôm, kéo dài từ năm 2011 đến nay chưa dứt. Rất nhiều cơ quan nghiên cứu vào cuộc nhưng “mãi mà không đưa ra được kết luận gì” như nhận xét của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu. Các nghiên cứu nêu nhiều tác nhân gây bệnh, từ thuốc bảo vệ thực vật đến con giống, nước, đất… Biết đâu, tác nhân đúng là tất cả đó, như chuyên gia về đa dạng sinh học ở Trường Đại học Cần Thơ, TS Dương Văn Ni nhận xét, “có thể có sự đảo lộn hệ sinh thái rất khó khắc phục, sau một số năm chuyên canh tôm”. Nên nếu không chuyên canh tôm, mà luân canh tôm – lúa chẳng hạn, sẽ giảm sự đảo lộn hệ sinh thái.

Luân canh tôm – lúa không phải là phát kiến mới. Đề xuất này đưa ra diễn đàn do Bộ NN&PTNT tổ chức đã lần thứ ba, cũng tại tỉnh Sóc Trăng. Lần đầu vào ngày 26/9/2009, Hội thảo “Phát triển bền vững hệ thống sản xuất tôm – lúa vùng ven biển ĐBSCL”. Lúc đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng chủ trì đã phát biểu, hội thảo là bước khởi đầu cho việc tổng kết và định hướng phát triển bền vững sản xuất tôm – lúa nước lợ. Nhiều nhà khoa học khẳng định “tôm – lúa tạo cân bằng sinh thái, phù hợp thời kỳ biến đổi khí hậu”.

Lần thứ ba, Hội nghị tiếp tục khẳng định vấn đề đã được khẳng định, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh thêm, đây là mô hình “nông nghiệp thông minh”. Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng Hồ Quang Cua, đã có nhiều giống lúa trồng trên đất nuôi tôm cho năng suất cao, giá bán cao nên nông dân “rất thích”. Bà Lưu Thị Lan, Phó giám đốc Công ty CP Gentraco, doanh nghiệp ở Cần Thơ nhưng xây dựng thương hiệu gạo thơm Ngọc Đồng trên vùng tôm Sóc Trăng, cho biết đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài “nhưng không đủ hàng cung ứng”.

Con tôm vẫn là chính song cây lúa không thể rời, để khai thác và bảo vệ hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Vấn đề bây giờ và sắp tới là ở chỗ, mà thực hiện bằng quy hoạch, kế hoạch, các quy trình kỹ thuật và chính sách khuyến khích, thúc đẩy, là cần làm nhiều hơn nói, ở mọi cấp.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!