(TSVN) – Tỉnh Bạc Liêu xác định từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, dường như hoạt động khai thác thủy hải sản, một thế mạnh lâu nay lại bị bỏ quên.
Với điều kiện tự nhiên và thế mạnh đặc thù, Bạc Liêu hoàn toàn có thể phát triển mạnh nghề khai thác thủy sản, nhưng hoạt động của nghề này trong những năm qua cho thấy đã không phát triển, thậm chí còn thụt lùi, thật sự trở thành nỗi trăn trở cho ngư dân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bất cập này, nhưng phần lớn là thiếu chính sách chiến lược và cả những mô hình quản lý hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, những năm qua Bạc Liêu đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế biển, nhưng trải qua nhiều nhiệm kỳ thế mạnh này vẫn còn là tiềm năng, kế hoạch vẫn chỉ là kế hoạch. Như huyện Đông Hải với mục tiêu xây dựng trở thành huyện năng động và mạnh về kinh tế biển của cả tỉnh, nhưng qua 10 năm, ngoài một số tuyến đường giao thông được kết nối với trung tâm huyện thì hạ tầng về kinh tế biển cho Đông Hải gần như chưa có gì!?
Hay như tàu cá sau khi cập cảng, lên hàng xong thì phải tiếp nhiên liệu, sửa chữa, vá lưới… sẽ làm cho các dịch vụ “ăn theo” nghề biển phát triển và tạo ra nguồn thu ngân sách lớn. Thế nhưng, Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) như hiện nay là quá hẹp và không đủ chỗ cho các phương tiện vào mua bán. Thế là nhiều phương tiện khai thác phải bán nguyên liệu cho các tỉnh ngoài như: Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau… Thậm chí, doanh nghiệp kinh doanh trong Cảng cá Gành Hào bỏ ra ngoài mở vựa lớn hơn, nhằm thu hút các tàu cá vào mua bán nguyên liệu.
Một vấn đề khác trong tổ chức dịch vụ hậu cần nghề cá đó là việc thành lập các hợp tác xã là rất quan trọng, nhằm mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trên biển, vừa làm dịch vụ tiếp tế hàng hóa, nhu yếu phẩm, cứu nạn, cứu hộ, vừa thu mua hải sản để các phương tiện tiếp tục khai thác dài ngày trên biển, vận chuyển y tế khi ngư phủ mắc bệnh cần vào bờ điều trị… Song, đến nay cả tỉnh chỉ mới thành lập được 1 hợp tác xã khai thác đánh bắt thủy sản Trí Nguyễn ở thị trấn Gành Hào!
Luật Thủy sản đã triển khai năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật cũng được đưa vào cuộc sống. Thế nhưng, đến nay Bạc Liêu vẫn còn 135/485 tàu đánh bắt chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định và có trên 50% thuyền trưởng tàu cá không ghi, ghi không đầy đủ, ghi không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản theo quy định. Thêm vào đó, ý thức chấp hành quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản của một số bộ phận ngư dân còn rất hạn chế, tình trạng khai thác thủy sản sai vùng, khai thác bằng nghề cấm, tận diệt nguồn lợi có chiều hướng gia tăng.
Ngoài ra, các cơ chế chính sách đầu tư cho hoạt động khai thác thủy sản được triển khai nhưng còn chậm, thiếu nguồn vốn chuyển đổi nghề; chính sách tín dụng của các ngân hàng thương mại đưa ra nhiều ràng buộc nên ngư dân không tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, chuyển đổi nghề; sự liên kết trong hoạt động khai thác còn chưa hình thành, tình trạng mạnh ai nấy làm còn tạo ra lực cản trong phát huy giá trị nguồn lợi mang lại từ biển…
Lư Dũng