(TSVN) – Rong sụn được ứng dụng rất rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm, phi thực phẩm, mỹ phẩm, y dược, dược phẩm…, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và là một trong những giải pháp xử lý sinh học có hiệu quả, nhằm cải thiện chất lượng nước tại các vùng NTTS. Hiện, việc nuôi trồng rong sụn đã và đang phát triển mạnh ở các tỉnh như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và ở nhiều địa phương khác.
Mới đây, tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đoàn công tác do ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh và Tổ chức cộng đồng bảo (TCCĐ) vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải, bàn giải pháp phát triển vùng nguyên liệu rong sụn, tạo sinh kế bền vững gắn với quản lý, bảo vệ rạn san hô tại xã Nhơn Hải. Tại buổi làm việc, ông Trần Đình Luân đánh giá rất cao nỗ lực, nhiệt huyết và hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực 12,8 ha vùng biển Hòn Khô nhỏ mà TCCĐ bảo vệ nguồn lợi thủy sản được giao. Mặc dù đã có một số chuyển biến tốt trong tạo sinh kế cho người dân nhưng theo ông Luân, vẫn cần có thêm nhiều giải pháp đồng thời để sinh kế thêm bền vững, tạo điều kiện để TCCĐ hoạt động, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, ông Luân đã kết nối tỉnh Bình Định với Công ty DBLP – một doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, phát triển giống, tổ chức vùng nguyên liệu và chế biến, cung ứng sản phẩm rong sụn cho thị trường – có trụ sở chính đặt tại tỉnh Phú Yên. Theo đó, cán bộ kỹ thuật của Công ty DBLP sẽ cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng rong sụn cho TCCĐ xã Nhơn Hải.
Trồng thử nghiệm rong sụn Kappaphycus alvarezii và cho sản lượng thu hoạch cao tại Phú Yên vào năm 2022. Ảnh: DBLP
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, Trưởng Ban đại diện TCCĐ xã cho biết: “Hiện Nhơn Hải có 121 tàu thuyền đánh cá cỡ nhỏ, dài dưới 12 m, khai thác thủy sản vùng ven bờ, thu nhập bấp bênh. Được sự quan tâm của Nhà nước, gần đây việc tham gia bảo vệ rạn san hô gián tiếp giúp đời sống người dân trong vùng được cải thiện. Nếu phát triển nghề trồng rong sụn mang lại nhiều lợi ích như thế, tôi tin chắc bà con sẽ thêm hăng hái bảo về san hô và trồng rong”.
Chia sẻ và trực tiếp hướng dẫn nhanh kỹ thuật trồng rong sụn cho TCCĐ xã Nhơn Hải, ông Đỗ Linh Phương, Giám đốc điều hành và là người sáng lập Công ty DBLP cho biết, khi rong còn nhỏ, cây mọc chậm dưới 0,2%/ngày. Khi đạt kích thước 2 cm trở lên, tốc độ tăng trưởng sinh khối sẽ đạt mức 0,3 – 0,7%/ngày. Và khi kích thước đạt mức 5 cm thì tốc độ sẽ 3 – 6%/ngày. Khi thành bụi to trên 15 cm sẽ đạt đến mức 10% ngày, rong sẽ lớn nhanh như thổi. Do đó, người trồng cần kiên nhẫn, giai đoạn nhỏ cần chăm sóc tốt, quan trọng là cho ra biển sớm, không cần chờ biển lặng.
Để hỗ trợ ban đầu, DBLP tặng cho ngư dân địa phương 2.000 cây rong sụn giống Kappaphycus alvarezii để trồng thử nghiệm. Cùng với đó, cứ 2 tuần một lần cán bộ kỹ thuật của DBLP sẽ trực tiếp đến vùng trồng rong để theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật. Khi địa phương trồng phát triển thành công vùng nguyên liệu, DBLP sẽ cung cấp giống, hỗ trợ một phần chi phí đầu tư và cam kết mua toàn bộ sản phẩm.
Theo chia sẻ của ông Phương, tại tỉnh Phú Yên, khi trồng thử nghiệm 10.000 cây rong sụn Kappaphycus alvarezii chỉ từ tháng 3 – 9/2022 đã thu được tới 30 tấn rong; bình quân một hộ nuôi rong sụn có thể đạt mức lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm. Phát triển sinh kế từ rong sụn gắn với bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô kết hợp phục vụ du lịch sinh thái là hướng đi kết hợp có tính bền vững cho TCCĐ, đặc biệt rất thuận lợi, phù hợp với xã Nhơn Hải.
Ông Trần Đình Luân cho biết, sẽ bàn nhiều hơn với tỉnh Bình Định về đề án chuyển đổi nghề đối với 121 tàu cá nhỏ, theo đó Tổng cục sẽ định hướng, hỗ trợ để các chủ tàu này tham gia vào TCCĐ hoặc HTX NTTS với định hướng phát triển phù hợp.
Ái Trinh