(TSVN) – Sau sự cố cá hồi và vỏ bao bì tôm nhập khẩu nhiễm virus corona, Hải quan Trung Quốc thắt chặt giám sát và theo dõi thực phẩm lạnh nhập khẩu bằng hàng loạt quy định mới.
Các quy định mới được đưa ra ngay sau một nghiên cứu của Đại học Nông nghiệp South China và Học viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông về sự sống của virus corona trên cá hồi. Tuần trước, các nhà nghiên cứu này đã báo cáo virus corona có thể tồn tại trong cá hồi ướp lạnh và có khả năng lây nhiễm trong hơn 1 tuần.
Nghiên cứu bày tỏ quan ngại, cá bị nhiễm SARS-CoV-2 từ một quốc gia có thể dễ dàng được vận chuyển sang quốc gia khác chỉ trong 1 tuần và trở thành nguồn lây nhiễm dịch bệnh toàn cầu. Các nhà nghiên cứu trên lưu ý cá được bảo quản ở nhiệt độ 0 – 40C suốt quá trình vận chuyển và cũng kêu gọi thắt chặt kiểm dịch hoặc phải tiến hành xét nghiệm để phát hiện SARS-CoV-2 trên cá nhập khẩu và xuất khẩu trước khi tiêu thụ trên thị trường.
Nghiên cứu này bị Viện Thủy sản quốc gia Mỹ (NFI) chỉ trích gay gắt. Theo NFI, thực tế SARS-CoV-2 sống sót trong cá hồi ướp lạnh nhưng không có nghĩa cá hồi là vật mang virus và làm lây lan dịch bệnh. Nhóm truyền thông của NFI chỉ trích nghiên cứu trên phiến diện vì chỉ nhìn vào sự sống sót của virus corona trên bao bì thực phẩm. NFI khẳng định lại, virus có thể sống trên bao bì thực phẩm trong môi trường thích hợp không phải là một phát hiện mới. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng chứng minh sự sống của virus trên bao bì thực phẩm, như cá hồi trong trường hợp đặc biệt này có thể làm lây lan virus sang người tiêu dùng hoặc chế biến sản phẩm cá hồi đó.
Vẫn chưa xác định được liệu Trung Quốc áp dụng quy định mới về kiểm dịch thực phẩm nhập khẩu có phải là phản ứng trực tiếp từ nghiên cứu gây tranh cãi nói trên hay không. Nhưng Hải quan Trung Quốc đang đe dọa sẽ cấm cửa các hãng xuất khẩu thực phẩm lạnh nếu họ không vượt qua được các xét nghiệm axit nucleic Covid-19 của Trung Quốc. Theo tờ Bưu điện Nam Hoa sáng Trung Quốc, các hãng xuất khẩu thực phẩm lạnh không vượt qua đợt xét nghiệm axit nucleic Covid-19 sẽ bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc trong 1 tuần, nếu không đạt 3 lần liên tiếp sẽ bị cấm 1 tháng.
Do đó, phần lớn các doanh nghiệp làm ăn tại Trung Quốc đều cam kết thay đổi cách thức thực hành sản xuất. Cơ quan quản lý xuất nhập khẩu tại những quốc gia này đang ráo riết kiểm tra thường xuyên để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm. Điển hình, Ecuador đang tập trung đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc. Tuần trước, Cục Quản lý an toàn thực phẩm Ecuador đã tuyên bố các công ty tôm phải củng cố và đảm bảo diệt khuẩn cũng như vệ sinh của từng cá nhân người lao động, đặc biệt là những công nhân tiếp xúc với sản phẩm hoặc đóng gói. Doanh nghiệp phải cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân và giải pháp ngăn chặn lây nhiễm virus giữa người và bề mặt đồ vật. Các xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 sẽ được thực hiện định kỳ.