Trung Quốc “rục rịch” gỡ lệnh cấm hải sản Nhật Bản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau gần hai năm đóng băng vì tranh cãi nước thải hạt nhân, Trung Quốc lần đầu phát tín hiệu sẽ nối lại nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là cú hích lớn cho ngành thủy sản Nhật đang gặp khó.

Trong thông báo chung giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và Bộ Nông nghiệp Nhật Bản (MAFF) mới đây, Bắc Kinh thể hiện thiện chí thay đổi lập trường. GACC tuyên bố Trung Quốc sẽ tham gia giám sát quốc tế lâu dài dưới sự điều phối của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Nếu các biện pháp an toàn được đảm bảo sau quá trình lấy mẫu và giám sát độc lập, Trung Quốc sẽ từng bước điều chỉnh chính sách nhập khẩu, dựa trên cơ sở khoa học.

Về phía Nhật, chính phủ khẳng định nước thải đã được xử lý bằng hệ thống ALPS để loại bỏ chất phóng xạ, đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn an toàn của IAEA và các quy định quốc tế. MAFF nhấn mạnh Nhật Bản cam kết bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, đồng thời hoan nghênh sự giám sát quốc tế có sự tham gia của Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc phát tín hiệu rõ ràng về khả năng gỡ bỏ lệnh cấm – động thái có thể giúp ngành thủy sản Nhật phục hồi. Trước lệnh cấm, xuất khẩu hải sản Nhật sang Trung Quốc đạt khoảng 75 tỷ yên (520,4 triệu USD). Tuy nhiên, chỉ một tháng sau khi lệnh cấm được ban hành, kim ngạch xuất khẩu giảm tới 99,3%, theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật. Việc Trung Quốc nới lỏng lập trường được xem là bước ngoặt trong quan hệ thương mại song phương và mang lại hy vọng mới cho ngành thủy sản Nhật Bản.

Nhật Bản đã theo đuổi mục tiêu lâu dài nhằm mở lại cánh cửa xuất khẩu vào 55 thị trường từng ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu thực phẩm Nhật sau thảm họa hạt nhân năm 2011. Tính đến tháng 9/2024, 90% trong số này gồm 49 thị trường đã gỡ bỏ các hạn chế, nhưng Nhật Bản vẫn vấp phải rào cản từ một số nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, Hàn Quốc và Nga. Trong đó, Nga và Đài Loan yêu cầu nghiêm ngặt về giấy chứng nhận kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu từ Nhật, trong khi các thị trường còn lại vẫn duy trì nhiều hình thức cấm nhập khác nhau.

Làn sóng phản đối càng gia tăng, đặc biệt từ các quốc gia và vùng lãnh thổ láng giềng, sau khi Nhật Bản kiên quyết xả nước thải đã qua xử lý ALPS ra biển, bất chấp dư luận phản đối. Do đó, nếu Trung Quốc nới lỏng lập trường và các thị trường khác noi theo, Nhật Bản có thể sẽ gặt hái được những tác động tích cực sâu rộng và chấm dứt hành trình kéo dài nhằm được tái chấp nhận trên trường xuất khẩu toàn cầu.

Dũng Nguyên

Theo Intrafish 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!