T2, 06/07/2020 11:14

Tuổi: cao có – già không

Chưa có đánh giá về bài viết

Mấy chục năm trước, dưới bom đạn Mỹ, họ là những nữ thanh niên tay chài tay súng đều giỏi. Nay, gần trăm tuổi, những cựu xã viên Hợp tác xã Minh Khai này vẫn sống vui, sống khỏe, cùng những chuyến thuyền câu hằng ngày trên sông Nhật Lệ.

Một buổi câu

5 giờ sáng, cụ Nguyễn Thị Cẩm (thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đã dậy chuẩn bị cần câu, mồi, rá đựng và ít cơm, bắp mang theo cho một ngày câu mới. “Đợt ni rét nên tui dậy trễ, chứ mọi bữa 3 – 4 giờ sáng tui đã đi rồi”. Cùng đi với cụ Cẩm sáng nay có cụ Phương, em ruột cụ Cẩm. Sắp xếp xong mọi thứ, hai cụ tay xách nách mang đi ra bờ kè, tháo neo chiếc xuồng cột dưới mé sông. Mỗi cụ chèo một đầu. Vừa chèo vừa thả cần câu rà trên mặt nước. Cụ Cẩm bảo, ra sông bao giờ cũng phải “đo nước” trước, xem chỗ đó cá có “ăn” không rồi mới neo thuyền lại câu. Vùng nước có cá thường không quá sâu, cũng không quá cạn. Gặp chỗ nước ròng, hai cụ thả neo, cắm xuồng rồi bắt đầu buông câu.

Cụ Cẩm năm nay 79 tuổi, làm nghề câu đã hơn 50 năm. Chín con của cụ cũng nối nghiệp cha mẹ đi biển. Bình thường cụ Cẩm đi câu với chồng mình là cụ Nguyễn Hán, nhưng mấy hôm nay cụ Hán theo tàu các con đi đánh bắt xa bờ nên cụ Cẩm đi câu cùng cụ Phương. Chiếc cần nhỏ gắn cục chì với 7 – 8 lưỡi câu, cuộn theo sợi cước mỏng mảnh chốc chốc nẩy lên vì cá cắn. “Cá bây chừ hiếm, lại toàn cá nhỏ. Một con cắn câu rớt lại xuống nước cũng tiếc đứt ruột. Ngồi từ sáng tới trưa mới được một mớ, bán được 20.000 – 30.000 đồng. Ít thế nhưng tui vẫn cứ mần, kiếm tiền mua thuốc khi ốm đau, không thì cũng có đồng quà cho con cháu mỗi dịp cưới hỏi, giỗ kỵ” – Cụ Cẩm nói. 

Cụ Nguyễn Thị Cẩm, tay chèo tay câu

Cách xuồng cụ Cẩm không xa là chiếc nốc (xuồng có mui) của cụ Nguyễn Thị Diểu, 82 tuổi. Cụ Diểu cũng lên thuyền đi câu từ sớm tinh mơ. Cụ Diểu nói: “Mần nghề ni cực lắm. Tụi tui già rồi nên chỉ câu quanh quẩn dưới chân cầu kiếm con trỏng (cá cơm) đem lên chợ Đồng Hới bán thôi. Cứ chục con bán 10.000 đồng. Hồi trước cá nhiều, có ngày kiếm được 150.000 – 200.000 đồng, nhưng chừ có mấy chục ngàn thôi”.

Đội đánh cá Minh Khai ngày ấy do nữ anh hùng Nguyễn Thị Khíu làm “đầu tàu”, tập hợp rất đông phụ nữ xã Bảo Ninh, phối hợp cùng nam giới đánh bắt hải sản để nuôi quân và phục vụ nhu cầu chung xã hội. Rất nhiều chuyến đò, mỗi chiếc 5 – 6 người, ngày ngày ra sông Nhật Lệ đánh cá đem về nhập kho hợp tác xã; mỗi kg cá được trả 4 hào (đơn vị tiền khi đó, mỗi bốn hào mua được 1 kg gạo theo giá bao cấp).

Ngày ấy, noi gương anh hùng Nguyễn Thị Suốt 60 tuổi vẫn ngày đêm chèo đò đưa bộ đội qua sông dưới mưa bom bão đạn, chị em đội đánh cá Minh Khai càng kiên gan hơn bao giờ hết.

Cụ Diểu vừa sửa soạn đồ nghề vừa nói: “Mỗi năm, trừ tháng 3 và tháng 8 có 3 con nước, còn lại đều 2 con nước. Mỗi con nước cách nhau 14 ngày, cứ theo đó mà đi câu. Trước và sau con nước 2 ngày cá ăn rất nhiều. Như chiều ni ra câu là đẹp, nhưng tui nghỉ lấy sức mai đi sớm. Trừ lúc mưa gió, ốm đau, còn ngày mô tui cũng đi. Mỗi bận đi biển ăn được 4 – 5 bát cơm, chứ ngồi thui thủi ở nhà có khi 2 bát ăn không hết, người yếu đi”.

5 giờ sáng, cụ Cẩm và cụ Phương đã dậy chuẩn bị đi câu

 

“Sợ chi sóng gió…”

Xã Bảo Ninh xưa chang chang những cồn cát trắng, rát bỏng chân. Bước tới đâu phải kẹp nách một lá dừa thả tới đó cho đỡ nóng. Khắp nơi không còn chỗ nào người dân chưa giâm cành, tưới lá. Đất không kịp thở. Khoai trồng 2 tháng rưỡi đã bới lên ăn. 

Cụ Nguyễn Thị Quán (81 tuổi) kể: “Đói ngủ không bằng đói ăn. Xưa đi biển làm chi có lương thực dự trữ đầy ắp trên tàu như bây chừ. Đói quá ngủ không dám nằm ngửa, phải nằm nghiêng cho bụng khỏi kêu. Thay nhau ngủ 2 – 3 giờ lại dậy vớt cá”. Mấy chục năm vật lộn với sóng gió nên dù tuổi cao, tinh thần các cụ vẫn hăng say, không nề hà khó nhọc. Tích kể, có hai vợ chồng lão ngư, cụ ông đòi đi biển nhưng cụ bà không cho, nói ông già rồi còn thuyền biển chi cho cực. Hai cụ động viên nhau, tổ khúc dân ca Say biển nổi tiếng của làng chài Bảo Ninh ra đời từ đó”.

Cụ Nguyễn Thị Phương cầm ống cước chuẩn bị thả câu

Năm 1964 – 1965, xã Bảo Ninh chìm trong đói khổ, bởi nơi đây là trọng điểm chiến tranh. Noi gương mẹ Suốt, mẹ Khíu, chị em ra sức bám làng, bám biển, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Nay thời bình, dù tuổi đã cao, họ vẫn đi câu cá, cất rớ, đánh lộng…, vừa đỡ đần cho con cháu vừa luyện rèn sức khỏe. Không đủ sức ra khơi xa thì họ câu gần bờ. Vợ chồng già câu với nhau, ông chết thì bà câu một mình hoặc bà đi chung với xuồng khác.

“Hồi đó mạ tui đang câu mực thì đau bụng rồi đẻ tui ngoài biển. Tui 5 – 6 tuổi đã theo thuyền ba mạ đi câu, đắng cay khổ cực nếm đủ rồi. Trừ mần ruộng ra, bây chừ nghề chi tui cũng mần được. Nghề biển ngó kiếm bạc rứa chớ cực lắm. Lần nào đi biển cũng lo. Nhưng nghề cha ông để lại bao đời rồi, không dứt được. Hôm ni đau quá tui mới nghỉ thôi…”, cụ Nguyễn Thòa (69 tuổi) bật khóc khi nhớ lại thời gian khó.

Làng chài Bảo Ninh còn nhiều nữ lão ngư, như: cụ Nguyễn Kiên (74 tuổi), cụ Nguyễn Thị Bạch (77 tuổi)…. vẫn say mê với biển. Các cụ quan niệm, có đi, có vận động mới có sức khỏe; có sức khỏe mới kéo được lưới, đánh được cá, lại có đồng tiền lận lưng, uống cốc trà cốc rượu không phải xin con cháu. Cụ Hoàng Lành (69 tuổi), Trưởng chi hội Người cao tuổi thôn Đồng Dương chia sẻ, toàn thôn hiện có 123 người cao tuổi, trừ những cụ trẻ hơn vẫn bám biển theo tàu xa bờ với con cháu, còn 10 – 15 cụ tuổi 70 – 80 vẫn hằng ngày đi câu sông.

>> Ban đầu, đội đánh cá Minh Khai (xã Bảo Ninh) chỉ là một tổ 6 chị em. Sau đó, Hợp tác xã Mỹ Xuân Sơn (3 thôn Mỹ Cảnh, Hồng Xuân, Hồng Sơn) hợp nhất với tổ đánh cá, đổi tên thành HTX Thống Nhất, có thêm thôn Sa Động. Đội đánh cá Minh Khai dần mở rộng, gồm cả nam và nữ, đánh bắt thủy sản, nuôi bộ đội và phục vụ nhu cầu sống khi đó.

Hà Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!