Tương lai của nuôi trồng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nuôi tôm, cá bằng những mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) hiện đại hay các trang trại áp dụng cảm biến, trí tuệ nhân tạo (AI)… được coi là bước tiến tiếp theo trong sản xuất bền vững, để đáp ứng nhu cầu nguồn thực phẩm thủy sản trong tương lai.

Upward Farms – Trang trại aquaponic thẳng đứng lớn nhất thế giới

Trang trại rộng 6 mẫu Anh nằm ở Pennsylvania, Mỹ này dự kiến ​​sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào đầu năm 2023, cung cấp cá vược sọc lai tươi – có nguồn gốc địa phương và được nuôi bền vững cho người tiêu dùng trên khắp vùng Đông Bắc nước này và xa hơn nữa. Nền tảng aquaponic của Upward Farms là kết hợp độ chính xác, khả năng mở rộng của canh tác trong nhà, với lợi ích của toàn bộ hệ sinh thái và nông nghiệp tái tạo giàu hệ vi sinh vật, chất thải từ cá sẽ được chuyển hóa thành phân bón hữu cơ cho rau xanh.

Cá vược sọc lai được nuôi trong các trang trại aquaponic trước đó của Upward Farms. Ảnh: Upward Farms

Trang trại Upward Farms mới này có quy mô gấp 2 – 4 lần so với các trang trại thẳng đứng lớn nhất hiện nay. Upward Farms không chỉ có khả năng thích ứng với khí hậu, mà còn giảm 95% lượng nước và đất sử dụng. Theo đó, trang trại này sẽ bảo tồn hơn 100 triệu gallon nước, hơn 120 mẫu đất và đồng thời loại bỏ 1,7 triệu dặm vận chuyển thực phẩm mỗi năm. Upward Farms chuyên phát triển các sản phẩm chất lượng cao và bền vững. Rau xanh được chứng nhận hữu cơ USDA, không biến đổi gen và không chứa hóa chất tổng hợp như thuốc trừ sâu và phân bón. Cá vược sọc lai của trang trại cũng được chứng nhận Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất (GAP), không chứa thủy ngân, kháng sinh hay hormone bổ sung.

NaturalShrimp – Nuôi tôm RAS trong nhà

NaturalShrimp, nhà đổi mới công nghệ RAS có trụ sở tại Mỹ cho biết, việc trang bị thêm công nghệ xử lý đã được cấp bằng sáng chế của mình, đã cho phép họ sản xuất hơn 8 tấn tôm/tuần tại cơ sở Webster City ở Iowa. Việc trang bị bao gồm thay thế hệ thống lọc sinh học trong bể trước đó bằng công nghệ đông tụ điện (EC) độc quyền của NaturalShrimp và nâng cấp hệ thống sưởi ấm bể, nhằm mục đích tăng sản lượng tôm hàng tuần lên 8,1 tấn trong quý II/2023, cùng với việc phát triển trại sản xuất giống tại cơ sở Blairsburg của Công ty. Trại sản xuất giống này cho phép Công ty kiểm soát nguồn cung hậu ấu trùng (PL), đồng thời giảm chi phí PL cho không chỉ các cơ sở nuôi thương phẩm ở Iowa, mà còn cho các cơ sở sản xuất NaturalShrimp khác. Công ty hy vọng rằng sẽ đạt sản lượng hàng tuần là 2,7 tấn trong quý đầu tiên của năm 2023.

NaturalShrimp đặt mục tiêu sản lượng tôm của quý II/2023 đạt hơn 8 tấn/tuần. Ảnh: NaturalShrimp

Blue Aqua – Phát triển trang trại cá hồi vân siêu thâm canh

Blue Aqua, công ty hàng đầu về công nghệ nuôi tôm, đã phát triển mô hình trang trại nuôi cá công nghệ cao đầu tiên của Singapore sản xuất cá hồi vân. Đây là một phần trong kế hoạch đầu tư 45 triệu SGD của tập đoàn, để phát triển hoạt động NTTS của mình ở quốc gia này. Với kế hoạch công suất sản xuất hàng năm là 1.200 tấn cá hồi vân – một loài cá nước lạnh có nguồn gốc từ Thái Bình Dương – ở châu Á và Bắc Mỹ, Công ty sẽ đáp ứng được nhu cầu địa phương về một loại cá bền vững với chất lượng cao nhất. Dự án dựa trên hệ thống ModulRAS độc quyền, được phát triển bởi Assentoft Aqua, Đan Mạch, chuyên về các công nghệ NTTS RAS trên đất liền bền vững.

Singapore đã đặt mục tiêu lên kế hoạch tổng thể “30 by 30”, tức là đáp ứng 30% sản lượng lương thực địa phương vào năm 2030. Dự án kết hợp công nghệ siêu thâm canh cùng với AI, sẽ giúp đạt được mục tiêu sản xuất cá bền vững nhằm hỗ trợ các sáng kiến ​​an ninh lương thực của Singapore. Quốc đảo này cũng khuyến khích một hệ sinh thái bền vững sôi động, phát triển công nghệ xanh cho canh tác đô thị tiết kiệm năng lượng và carbon, thông qua quan hệ đối tác với các công ty công nghệ năng lượng sạch. Hệ thống nuôi cá hồi vân bền vững này sau khi phát triển hiệu quả sẽ được triển khai trên khắp Đông Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi.

AquaBounty – Sản xuất cá hồi biến đổi gen

AquaBounty đang trong quá trình xây dựng trang trại cá hồi trên đất liền trị giá 300 triệu USD, công suất 10.000 tấn ở Ohio, Mỹ, nhằm sản xuất cá hồi AquAdvantage biến đổi gen độc quyền của Công ty. AquaBounty dự kiến ​​chi phí dự án nằm trong khoảng từ 290 – 320 triệu USD, kế hoạch thả trứng cá hồi thương mại sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023. Khi đi vào hoạt động hết công suất, trang trại dự kiến ​​sẽ mang lại hơn 100 việc làm mới cho khu vực. Innovasea đang thiết kế công nghệ hệ thống RAS cho trang trại mới.

“Công nghệ RAS và thiết kế cơ sở tổng thể kết hợp với vị trí gần các thị trường lớn, sẽ tạo ra lượng khí thải carbon thấp hơn so với cá hồi được sản xuất ở các nước khác, cũng như giảm bớt áp lực đối với nguồn cá hồi hoang dã, đồng thời sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm và bền vững”, ông Sylvia Wulf, Giám đốc điều hành của AquaBounty cho biết.

BluGen – Nuôi cá bơn vỉ trong RAS

BluGen, một công ty NTTS nhân giống chính xác và nghiên cứu bộ gen, đã triển khai xây dựng trang trại RAS đầu tiên của Hàn Quốc nhằm sản xuất cá bơn vỉ (hay còn gọi là hirame) trong năm 2023. Cơ sở rộng 676.000 ft2 (gần 63.000 m2) được đặt tại Goheung, Hàn Quốc và hiện đã hoàn thành 60%. Trang trại RAS sẽ bao gồm: Trại sản xuất giống và ao ương có khả năng sản xuất tới 80 triệu con giống mỗi năm. Hệ thống ao nuôi thương phẩm có khả năng sản xuất 1.000 tấn cá/năm ra thị trường.

Công ty cho biết dòng cá bơn vỉ không biến đổi gen phát triển nhanh hơn, khả năng kháng bệnh vượt trội và có FCR là 1,1. Chi phí nuôi thương phẩm tương tự như chi phí nuôi cá hồi ở mức khoảng 3,3 USD/kg, trong khi giá bán tại trang trại dự kiến ​​vào khoảng 20 – 24 USD/kg, tùy thuộc vào trọng lượng tổng thể của cá và giá thị trường. Sản lượng ​​sản xuất năm đầu tiên của BluGen đã được mua hoàn toàn bởi Yam Table, nhà phân phối thương mại điện tử uy tín của Hàn Quốc. Ngoài ra, hơn 20 cơ sở nuôi thương phẩm tại địa phương đã đăng ký 41 triệu con giống của BluGen.

Theo BluGen, nhu cầu đối với cá bơn vỉ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã tăng lên trong hai thập kỷ qua, trong khi nguồn cung ngày càng giảm, do những thách thức sản xuất từ ​​dịch bệnh và biến đổi khí hậu, cũng như tỷ lệ tử vong theo mùa từ 40 – 70%.

Regal Springs – Trang trại cá rô phi đạt chứng nhận ASC đầu tiên trên thế giới

Năm 2012, trang trại cá rô phi hồ Toba của Regal Springs ở Sumatra, Indonesia đã trở thành trang trại đầu tiên trên thế giới đạt được chứng nhận ASC. Cho đến nay, trang trại cá rô phi này vẫn giữ phong độ đứng đầu.

Vì các trang trại cá rô phi của Regal Springs nằm ở hồ Toba, hồ núi lửa lớn nhất thế giới, nên việc đảm bảo một hệ sinh thái sạch và lành mạnh là rất quan trọng trong quá trình sản xuất cá. Hồ có diện tích hơn 1.100 km2 và có độ sâu gần 500 m. Nước sâu, sạch là chìa khóa phát triển cộng đồng địa phương, đa dạng sinh học và cá rô phi khỏe mạnh.

Ông Petra Weigl, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của Regal Springs cho biết: “Chúng tôi sử dụng lồng nổi có rất ít tác động đến môi trường hồ tự nhiên. Đồng thời liên tục theo dõi chất lượng nước, để đảm bảo nước luôn giàu ôxy và không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của trang trại. Trong số các yếu tố, chất lượng nước cao ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của cá rô phi Regal Springs. Nếu cá khỏe mạnh, thì hoàn toàn có thể từ bỏ việc sử dụng các chất phụ gia”.

Regal Springs tuân thủ chính sách không lãng phí hoặc sử dụng toàn bộ cá. Chỉ khoảng 1/3 con cá rô phi nguyên con được sử dụng để fillet hoặc cắt miếng. Phần còn lại của cá (da, vảy, xương, gan…) được sử dụng trong các ngành công nghiệp khác như thực phẩm bổ sung, dược phẩm, mỹ phẩm, phân bón và thậm chí cả thời trang (dưới dạng da cá rô phi). Regal Springs cũng tái sử dụng dầu cá rô phi thành nhiên liệu sinh học, cung cấp năng lượng cho một số xe tải và các thiết bị khác của chính Công ty.

Hải Linh

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!