Nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung và thức ăn tôm nói riêng ở Việt Nam vẫn luôn là vấn đề nan giải. Điều này không chỉ khiến giá thức ăn luôn ở xu thế tăng, tác động lớn đền giá thành, mà còn ảnh hưởng lớn tới yêu cầu phát triển bền vững của lĩnh vực này.
Bị động nguồn cung
Thức ăn chiếm tới 60 – 70% chi phí sản xuất và giá thành. Thực tế từ nhiều năm nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Trong đó, có tới 90% nguyên liệu để sản xuất thức ăn tôm (khô đậu tương, lúa mì, ngô, bột xương thịt, bột cá…) đang phải nhập khẩu từ nước ngoài. Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan, tính riêng tháng 2/2016, nhập khẩu đậu tương 23,1 nghìn tấn, trị giá 9,7 triệu USD; nhập khẩu ngô 486,5 nghìn tấn, trị giá 97,3 triệu USD.
Cùng với đó, là việc số lượng nhà máy sản xuất thức ăn tôm trong nước cũng hạn chế, năng lực tự sản xuất còn yếu kém và không làm chủ được công nghệ. Thị trường sản xuất thức ăn tôm chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (> 60% thị phần). Theo các chuyên gia nông nghiệp, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu làm cho giá thức ăn tôm trong nước luôn biến động, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành thủy sản. Đồng thời, làm giá thức ăn tôm ở Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.
Việc phụ thuộc nhập khẩu được cho là do Việt Nam chưa sản xuất được những thức ăn bổ sung. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp trong nước cũng đang có sự mất cân đối, thiếu quỹ đất, thiếu chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu, thiếu quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn. Theo đó, do tập trung đầu tư sản xuất lúa, gạo xuất khẩu nhưng Việt Nam phải nhập hàng triệu tấn ngô, đỗ tương… do sản xuất trong nước chưa đáp ứng được. Mặt khác, những đề tài nghiên cứu cho lĩnh vực này còn ít, nhỏ lẻ, các viện nghiên cứu trong nước nhìn chung chưa có kết quả nghiên cứu nào thành chuỗi công nghệ phổ biến đại trà vào sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp phải nhập công nghệ từ nước ngoài.
Khó kiểm soát
Chất lượng của thức ăn tôm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, phương pháp chế biến và sản xuất. Theo PGS.TS Lại Văn Hùng, nguyên Trưởng Khoa Nuôi trồng Trường Đại học Nha Trang thì nhu cầu protein trong thức ăn của tôm nuôi rất cao, đặc biệt là tôm sú, vì vậy protein được khẳng định là thành phần quan trọng nhất trong thức ăn tôm. Tuy nhiên, tôm không có pepsin tiêu hóa, chúng tiêu hóa protein bằng các ezyme tuyến tụy nên chỉ chấp nhận được các loại protein nhất định và đầy đủ hàm lượng amino axit cần thiết.
Giá thức ăn quyết định giá thành sản xuất tôm – Ảnh: Phan Thanh Cường
Theo đó, bột cá, bột tôm, bột mực chứa protein có các thành phần amino axit phù hợp với khả năng tiêu hóa của tôm. Nhưng thực tế hiện nay, nguồn nguyên liệu ngày càng hạn chế, một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho tôm đã thay thế nguồn nguyên liệu đầu vào bằng bột xương, bột huyết, bột lông vũ… không đáp ứng tối đa nhu cầu dinh dưỡng cho tôm. Trong khi, các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn đến hàm lượng protein trong thức ăn tôm ít để ý đến nguyên liệu đầu vào.Kết quả kiểm tra đối với thức ăn bổ sung của các đoàn thanh tra tại ĐBSCL chỉ ra rằng, một số lượng đáng kể thức ăn chưa được đăng ký lưu hành trên thị trường, các sai phạm về chất lượng hoặc quảng cáo quá mức tại nhãn sản phẩm diễn ra phổ biến.
Hiện sản phẩm thức ăn nhập khẩu đã được thực hiện kiểm tra chất lượng theo từng lô hàng nhập khẩu, tuy nhiên các lô hàng sản xuất trong nước khi lưu thông trên thị trường hầu như không được kiểm tra chất lượng, ngoại trừ khi đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, khi đăng ký lưu hành thì các doanh nghiệp lại được tự lựa chọn cơ sở phân tích. Trong nhiều trường hợp mẫu mang đi kiểm tra thì rất tốt, nhưng lại không có chế tài nào để thực hiện kiểm tra chất lượng thức ăn khi lưu thông trên thị trường.
Giải pháp
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất thức ăn tôm, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc đầu tư cho việc sản xuất nguyên liệu, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng sản xuất nguyên liệu. Các chính sách ưu đãi về vốn, đất sản xuất để các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cần được quan tâm. Cần tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng tốt cho doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, cần có các cơ chế khuyến khích các tập thể, các nhân xây dựng cầu cảng, hệ thống vận chuyển, nhà kho chuyên dụng để phục vụ cho việc vận chuyển, lưu trữ nguyên liệu… Cùng với đó, để thúc đẩy sản xuất thức ăn trong nước, cần đầu tư nghiên cứu khoa học hiệu quả và hợp tác với các doanh nghiệp mạnh của nước ngoài, chú trọng nghiên cứu những khâu đột phá theo chuỗi sản phẩm: khoáng, vi sinh, enzym, chất tạo màu, tạo mùi… nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu và mang lại hiệu quả nhất cho ngành sản xuất thức ăn tôm của nước ta, trong tình trạng, nguồn bột cá đang ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ.