T2, 06/07/2020 12:01

Ương nuôi tôm hùm xanh (Panulirus homarus) từ giai đoạnh giống (20 – 30 g) đến giai đoạn sắp trưởng thành (> 150 g) trong bể xi măng bằng thức ăn viên tại Ninh Thuận

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc nghiên cứu chuyển đổi ương nuôi tôm hùm trong bể xi măng bằng thức ăn chế biến nhằm chủ động được khâu ương nuôi nâng cấp khắc phục các mặt hạn chế khi ương nuôi ngoài lồng biển.

I. MỞ ĐẦU

Tháng 8 năm 2015, Bộ NN&PTNT đã chủ trì hội thảo “Phát triển nuôi tôm hùm bền vững khu vực miền Trung”. Tại đây, các mục tiêu đã được đặt ra cụ thể đến năm 2020, xây dựng mô hình nuôi tôm hùm trong bể xi măng sử dụng thức ăn công nghiệp và nghiên cứu được 2 – 3 loại thức ăn bán ẩm dạng khối phù hợp cho giai đoạn nuôi tôm hùm thương phẩm; đến năm 2025, xây dựng được quy trình nuôi tôm hùm bông trong bể xi măng với năng suất 50 – 70 tấn/ha; đến năm 2035, chủ động sản xuất thức ăn phục vụ nuôi tôm hùm bền vững.

Ninh Thuận là một trong những tỉnh có nguồn tôm hùm giống khai thác tự nhiên hàng năm tương đối lớn (300.000 – 500.000 con/năm), trong đó phần lớn là tôm hùm xanh. Ninh Thuận cũng đã hình thành nghề ương nâng cấp tôm hùm giống phục vụ cho nuôi thương phẩm, tuy nhiên chỉ với hình thức ương nuôi bằng lồng chìm ở vùng biển kín gió, tỷ lệ sống trong quá trình ương thấp, thời gian thuận lợi cho nghề này hoạt động trong năm ngắn, dịch bệnh cũng dễ xảy ra nên rủi ro cho nghề này cũng rất lớn. Vì thế, việc nghiên cứu chuyển đổi ương nuôi tôm hùm trong bể xi măng bằng thức ăn chế biến nhằm chủ động được khâu ương nuôi nâng cấp khắc phục các mặt hạn chế khi ương nuôi ngoài lồng biển là hướng đi đúng, phù hợp với mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đặt ra đối với nghề nuôi tôm hùm khu vực miền Trung trong thời gian tới.

Xuất phát từ những lý do đó chúng tôi thực hiện đề tài: “Ương nuôi tôm hùm xanh (Panulirus homarus) từ giai đoạn giống (20 – 30 g) đến giai đoạn sắp trưởng thành (> 150 g) trong bể xi măng bằng thức ăn viên tại Ninh Thuận”.

 

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là tôm hùm xanh (Panulirus homarus).

Phạm vi nghiên cứu: Điều tra tình hình khai thác và tiêu thụ tôm hùm giống tự nhiên; nghiên cứu ương nuôi tôm hùm xanh giai đoạn giống (20 – 30 g) đến giai đoạn sắp trưởng thành (> 150 g) trong bể xi măng bằng thức ăn viên tại Ninh Thuận.

2.2.Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

2.2.1.Điều tra tình hình khai thác và tiêu thụ tôm hùm giống tại Ninh Thuận

Nguồn số liệu sơ cấp thu thập được tiến hành bằng các phương pháp điều tra đánh giá nông thôn nhanh (RRA), đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA) và điều tra qua phiếu câu hỏi (QS). Nguồn số liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành, Phòng Nông nghiệp các huyện ven biển trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Sơ đồ khối cách tiếp cận nội dung nghiên cứu của đề tài:

ương nuôi tôm hùm xanh tại ninh thuận - ảnh 1

 

2.2.2. Thực nghiệm ương nuôi tôm hùm xanh trong bể xi măng bằng thức ăn viên

– Chế biến thức ăn viên theo thành phần công thức (bảng 1): Lắp đặt xưởng chế biến thức ăn, có thể chế biến ít nhất 10 kg thức ăn viên/ngày. Có hệ thống bảo quản nguyên liệu và thức ăn thí nghiệm.

ương nuôi tôm hùm xanh tại ninh thuận - ảnh 2

– Thí nghiệm 1 (TN1): So sánh ảnh hưởng của thức ăn AT01 và AT02: Thí nghiệm được bố trí với 2 nghiệm thức đối với thức ăn AT01 và AT02, mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần, mật độ nuôi 6 con/m2, thời gian thí nghiệm là 12 tuần.

– Thí nghiệm 2 (TN2): Khảo sát ảnh hưởng của mật độ nuôi 6 và 9 con/m2. Thí nghiệm được bố trí với 2 nghiệm thức đối với mật độ ương 6 con/m2 và 9 con/m2, mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần, thời gian thí nghiệm là 12 tuần.

– Thí nghiệm 3 (TN3): Ương nuôi tôm giai đoạn giống (20 – 30 g) đến giai đoạn sắp trưởng thành (> 150 g): Thí nghiệm được bố trí 2 nghiệm thức là sử dụng thức ăn viên AT01 và thức ăn tươi đối chứng, lặp lại 4 lần, mật độ 6 con/m2, thời gian thí nghiệm 10 tháng.

Tôm được nuôi trong bể xi măng, chiều cao mức nước 0,8 – 1,2 m, cho ăn 2 lần/ngày. Bể nuôi được lắp nhiều ống nhựa (đường kính 20 – 30 cm, dài 12 – 20 cm), lưới bám và tấm mica đen. Trong quá trình nuôi, nước được thay mới 100% với tần suất 1 lần/ngày, chất dơ và vỏ lột được xi phông sạch trước khi cho ăn để tạo bề mặt và môi trường sạch.         

2.3. Xử lí số liệu

Số liệu được xử lý trên phần mềm Microsoft Excel 2007. Xử lý thống kê bằng phần mềm SPSS 16.0.

 

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1.Tình hình khai thác và tiêu thụ tôm hùm giống tại Ninh thuận

Ninh Thuận có gần 2.500 hộ dân tham gia nghề khai thác tôm hùm giống với hơn 3.000 người hoạt động trực tiếp. Hầu hết người lao động tham gia khai thác tôm hùm giống có thu nhập thấp và trung bình, trình độ văn hóa chủ yếu cấp 1 và mù chữ.

Khu vực khai thác tôm hùm trên vùng biển Ninh Thuận chủ yếu tập trung ở khu vực Vịnh Phan Rang (thôn Khánh Nhơn đến Mỹ Tường); khu vực biển ven bờ từ thôn Phú Thọ (phường Đông Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm) đến thôn Sơn Hải (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam). Mùa vụ khai thác tập trung vào 2 vụ: vụ chính từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau (theo lịch dương), vụ phụ từ tháng 4 đến tháng 9.

Có 3 hình thức khai thác chính là lưới giũ, lưới mành và lặn bắt, trong đó  hình thức khai thác bằng lưới giũ kết hợp với ánh sáng là chủ yếu. Số lượng tôm giống khai thác hàng năm trung bình 300.000 – 500.000 con; số lượng sử dụng để nuôi trong tỉnh chiếm 5 – 7% sản lượng khai thác. Đối tượng tôm hùm khai thác chủ yếu là tôm hùm bông và tôm hùm xanh, trong đó số lượng tôm hùm xanh chiếm gần gấp đôi (2,2 lần).

 

3.2. Kết quả thực nghiệm ương tôm hùm trong bể xi măng bằng thức ăn viên

3.2.1. Kết quả sản xuất thức ăn viên AT01 và AT02

Chúng tôi đã tiến hành sản xuất thức ăn viên AT01 và AT02 có những đặc điểm sau:

ương nuôi tôm hùm xanh tại ninh thuận - ảnh 3 

Thức ăn AT01 và AT02 là dạng thức ăn viên bán ẩm, đã được phân tích xác định hàm lượng một số thành phần cần thiết trong thức ăn. Thành phần và hàm lượng một số thành phần cơ bản được xác định trong (bảng 2).

ương nuôi tôm hùm xanh tại ninh thuận - ảnh 4

 

3.2.2. Kết quả thí nghiệm so sánh ảnh hưởng thức ăn AT01 và AT02 lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm hùm xanh nuôi bể xi măng

Yếu tố môi trường trong thí nghiệm ương nuôi: Nhiệt độ 25 – 280C; độ mặn 32 – 34‰; pH 8,1 – 8,4; độ kiềm 120 – 140 (mg CaCO3/l); NH4+, NO2 từ 0 – 0,01 mg/l.

 Kết quả thí nghiệm so sánh ảnh hưởng thức ăn AT01 và AT02: sau 12 tuần nuôi, khối lượng trung bình và tỷ lệ sống ở hai nghiệm thức AT01 và AT02 lần lược là 61,30 g/con và 61,26 g/con; 77,73% và 76,80%. Sai khác không có ý nghĩa thống kê với (P < 0,05). Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối (DGR) của thí nghiệm đạt trung bình 1,30 g/ngày.

 

3.2.3. Kết quả thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng mật độ ương nuôi lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm hùm xanh nuôi trong bể xi măng

Yếu tố môi trường trong thí nghiệm ương nuôi: Nhiệt độ 27 – 300C; độ mặn 32 – 36‰; pH 8,1 – 8,4; độ kiềm 120 – 140 (mg CaCO3/l); NH4+, NO2 từ 0 – 0,01 mg/l.

Không có sự sai khác đáng kể ở hết quả thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng mật độ ương nuôi 6 con/m2 và 9 con/m2, sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn viên AT01: Sau 3 tháng nuôi khối lượng trung bình lần lượt là 56,02 g/con và 55,61 g/con; tỷ lệ sống lần lượt là 41,70% và 39,80%; tốc độ tăng trưởng tuyệt đối (DGR) lần lược là 1,05 g/ngày và 1 g/ngày.

Khi so sánh kết quả ở hai nghiệm thức thí nghiệm 2, mặc dù các chỉ số về giá trị trung bình có đối chút khác nhau, tuy nhiên không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê với (P < 0,05).

 

3.2.4. Kết quả thí nghiệm ương nuôi tôm hùm xanh giai đoạn giống (20 – 30 g) đến sắp trưởng thành (> 150 g) trong bể xi măng bằng thức ăn viên (TN3)

Yếu tố môi trường trong thí nghiệm ương nuôi: Nhiệt độ 27 – 300C; độ mặn 32 – 35‰; pH 8,1 – 8,4; độ kiềm 120 – 140 (mg CaCO3/l); NH4+, NO2 từ 0 – 0,01 mg/l.

 Kết quả thí nghiệm ương nuôi tôm hùm xanh giai đoạn giống (20 – 30 g) đến sắp trưởng thành (>150 g) trong bể xi măng bằng thức ăn viên AT01 và thức ăn tươi đối chứng. Sau 10 tháng nuôi khối lượng trung bình và tỷ lệ sống tương ứng đối với 2 nghiệm thức thức ăn viên và thức ăn tươi lần lượt là: 157,91 g/con và 162,98 g/con; tỷ lệ sống lần lược là 50,69% và 54,86%. Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối (DGR) lần lượt là 0,447 g/ngày và 0,458 g/ngày.

Các số liệu trình bày ở trên cho thấy tôm nuôi bằng thức ăn tươi cho kết quả cao hơn so với thức ăn viên chế biến về tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống. Tuy nhiên sự sai khác này không có ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0,05).

 

IV. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

4.1. Kết luận

Không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê khi thí nghiệm so sánh sự ảnh hưởng lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của 2 loại thức ăn viên AT01, AT02 và thí nghiệm so sánh hai mật độ nuôi 6 con/m2, 9 con/m2.

Đối với thí nghiệm so sánh sự ảnh hưởng lên sinh trưởng và tỷ lệ sống khi nuôi tôm hùm xanh bằng thức ăn viên (AT01) và thức ăn tươi (đối chứng) cũng không thấy sự sai khác có ý nghĩa thống kê với (P < 0,05). Điều này cho thấy có thể nuôi tôm hùm xanh trong bể xi măng giai đoạn giống (20 – 30 g) đến giai đoạn sắp trưởng thành (> 150 g) bằng thức ăn viên.

 

4.2. Khuyến nghị

Cần có nghiên cứu sâu hơn về nguồn lợi tôm hùm giống tại Ninh Thuận, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp bảo vệ và khai thác hợp lý.

Tiếp tục nghiên cứu nuôi đối tượng tôm hùm xanh trong bể xi măng bằng thức ăn viên ở các giai đoạn từ 2 g/con đến thương phẩm (300 – 500 g/con). Tiếp tục nghiên cứu áp dụng hệ thống tuần hoàn nước; nâng cao tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng; nâng cao mật độ nuôi; biện pháp phòng và trị bệnh.

Nghiên cứu nuôi đối tượng tôm hùm bông trong bể xi măng bằng thức ăn viên.

ThS. Phan Đình Thịnh, ThS. Nguyễn Sen - Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Ninh Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!