T2, 06/07/2020 09:50

Vì sao thế, Xayaburi?

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Vì sao việc Lào triển khai dự án xây dựng đập Xayaburi trên dòng chính tại hạ lưu sông MêKông lại được các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia và Việt Nam quan tâm nhiều đến vậy? Phải chăng vì chính hệ lụy mà nó tác động lên môi trường sinh thái, kinh tế, xã hội… là quá lớn? Tạp chí Thủy sản Việt Nam xin trích dẫn một ý kiến để giúp bạn đọc có được một góc nhìn tổng quan hơn về sự kiện này.

Ông Phạm Khôi Nguyên – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Việt nam

Việt Nam chính thức đề nghị nước bạn Lào trì hoãn 10 năm (*)

Ngoài đập thủy điện đầu tiên này vẫn còn 11 công trình thủy điện khác đang dự định xây dựng trên dòng chính sông MêKông. Nếu tất cả đều được xây và không đánh giá hết các tác động, việc ảnh hưởng tới khu vực ĐBSCL là rất lớn. Do vậy, chúng tôi rất quan ngại với việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông MêKông. Việt Nam đã chính thức đề nghị nước bạn Lào trì hoãn việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi trong 10 năm tới.            

(Nguồn: tuoitre.vn)

 

Ông Nguyễn Thái Lai – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Việt nam

Tác động sâu sắc tới ĐBSCL

Xây dựng công trình thủy điện trên dòng chính sông MêKông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên nước và gây sự quan tâm sâu sắc đến cộng đồng dân cư sống bên dòng sông. Các nhà đầu tư cho rằng đập thủy điện chỉ sử dụng nước và sau đó là trả lại nước cho dòng sông nên không có tác hại nhưng trên thực tế điều đó làm thay đổi chế độ dòng chảy sâu sắc, không còn là dòng chảy tự nhiên mà do con người điều chỉnh… Nếu cộng lũy tích của 12 công trình thủy điện thì tác động sẽ rất nghiêm trọng. Việc xây dựng thuỷ điện trên dòng chính MêKông được các chuyên gia đánh giá là có tác động sâu sắc tới ĐBSCL.               

(Nguồn: Monre.gov.vn)

Đập Xayaburi sẽ đe dọa đến sự tuyệt chủng của biểu tượng sông MêKông – cá da trơn

 

TS Lê Đức Trung – Chánh văn phòng Uỷ ban sông MêKông Việt Nam

Cần trì hoãn để nghiên cứu toàn diện

Hoàn toàn tôn trọng các nhu cầu phát triển của CHDCND Lào, tuy nhiên chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ đời sống của 20 triệu người dân Việt Nam đang sinh sống tại vùng ĐBSCL và tài sản vô giá của hệ đa dạng sinh học độc đáo của Đồng bằng, là những đối tượng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng theo các đánh giá gần đây của các chuyên gia quốc tế. Việc trì hoãn cần được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực nhằm có đủ thời gian cần thiết cho Chính phủ các quốc gia ven sông tiến hành các nghiên cứu toàn diện và cụ thể có tính định lượng hơn đối với tất cả các tác động tích lũy.                

(Nguồn: nld.com.vn)

 

TS Lê Anh Tuấn – Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ

Cản trở đường đi cho cá

Hầu hết các loài cá trên sông MêKông là cá di cư và đến mùa sinh sản chúng di chuyển từ hạ lưu lên thượng lưu. Việc xây đập cản trở môi trường sống của các loài cá và có thể dẫn đến tiệt chủng. Đồng bằng sông MêKông sống phần lớn nhờ vào phù sa. Nếu không có phù sa thì nông nghiệp sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Đó là chưa kể xói lở bờ sông và vùng ven biển ĐBSCL.

(Nguồn: Tamnhin.net)

 

TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL

Một mối nguy thật sự

Việc Lào xây dựng đập Xayaburi thật sự là mối nguy cho ĐBSCL. Ai cũng biết Lào xây đập chặn dòng chính thì nguồn nước về ĐBSCL sẽ ít đi, lượng phù sa theo đó cũng sẽ không còn, mặn sẽ xâm nhập sâu, gay gắt hơn. Nguy hại hơn là cả hệ sinh thái châu thổ này sẽ đảo lộn. Trong các mối nguy đe dọa, nông nghiệp sản xuất lúa sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất.                    

(Nguồn: Tuoitre.vn)

 

GS.TS Võ Tòng Xuân

Làm biến đổi hệ sinh thái hạ lưu

Đập Xayaburi xây dựng trên dòng chính sông MêKông sẽ làm nguồn nước thay đổi hóa tính, lý tính, dẫn tới biến đổi hệ sinh thái toàn khu vực hạ lưu. Cộng với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ ở ĐBSCL, việc thiếu nước tưới, mặn xâm nhập sâu vào đồng ruộng đang là nguy cơ đối với khu vực này.

(Nguồn: Tuoitre.vn)

 

TS Tô Văn Trường – Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam

Cần nghiên cứu các giải pháp ứng phó

Vấn đề ở đây là phải bình tĩnh xem xét kỹ “cái lý” của bạn để đưa ra “cái lý” của ta thật khoa học, thật thuyết phục để rồi cùng nhau đưa ra giải pháp hợp lý nhất mà các nước liên quan có thể chấp nhận được. Chúng ta đã có kinh nghiệm và thành công trong bài học “sống chung với lũ” ở ĐBSCL, vậy nay tại sao không nghĩ cách để “sống chung với hạn” khi mà thực tế do dân số ngày càng đông, yêu cầu phát triển kinh tế, các nước thượng luu sẽ lấy nước ngày càng nhiều hơn. Chúng ta đang dồn sức để nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có lẽ đã đến lúc cũng cần nghiên cứu các giải pháp ứng phó với nguy cơ sông MêKông sẽ mất dần lợi ích mà nó đã từng mang lại cho Việt Nam.

(Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

 

TS Suphasuk Pradubsuk – Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF)

Nên trì hoãn 10 năm 

Đồng bằng Nam bộ của Việt Nam trù phú vì lượng phù sa bồi đắp hàng năm. Nếu một hoặc nhiều đập thủy điện xây trên sông chính của dòng MêKông, phù sa chảy xuống hạ nguồn sẽ ít đi. Lượng phù sa giảm sẽ dẫn đến thay đổi thổ nhưỡng ở các vùng đất bồi, gây thoái hóa vùng nước. Đập Xayaburi, nếu được chấp thuận, sẽ xây trên dòng chính. Như vậy nó sẽ tác động đến các cộng đồng dân cư sinh sống hạ nguồn. Bài học của đập sông Mun, Thái Lan vẫn còn đó. Đó là minh chứng cho việc nghiên cứu vội vàng về tác động đến môi trường và xã hội đã dẫn đến tình huống bất lợi cho cả ngư dân và chủ sở hữu con đập. Nguy cơ này cũng có thể lặp lại với đập Xayaburi. Nên trì hoãn phê duyệt các đập tại dòng chính hạ lưu sông MêKông trong 10 năm để đảm bảo hiểu biết toàn diện về những tác động của việc xây dựng và vận hành đập.             

(Nguồn: Tamnhin.net)

 

Giá trị thực sự của dự án này đã không được tính toán đúng

Chính phủ Lào tin rằng việc xây đập Xayaburi sẽ mang lại một nguồn thu quan trọng cho Chính phủ, giúp thu hút đầu tư nước ngoài và đem đến sự phát triển kinh tế xa hơn cho quốc gia. Tuy nhiên, niềm tin này là sai lầm khi chưa tính đến việc sông MêKông đã là một tài sản văn hóa, xã hội và kinh tế vô giá của Lào và khu vực. Con sông là ngư trường có năng suất cao, giúp bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp đất phù sa màu mỡ và nguồn nước tưới cho nông nghiệp. Tất cả các nguồn tài nguyên nói trên có thể được tạo ra và phục hồi lại tùy theo tình trạng con sông. Từ việc không thể cân bằng chi phí thực tế mà con đập sẽ gây hủy hoại môi trường và xã hội đối với hàng triệu người; Với các chương trình môi trường cần thiết để giảm nhẹ và bồi thường cho các thiệt hại đó, giá trị thực sự của dự án này đã không được tính toán đúng.

(Nguồn: Internationalrivers.org)

 

“Không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế”

Tuần trước, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, thành viên đảng Dân chủ bang Virginia và là người đứng đầu Tiểu ban Đông Á và các vấn đề Thái Bình Dương trong Nghị viện Mỹ đã phê phán dự án xây đập vì lý do “không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế”. Ông dự đoán sự thiếu hợp tác giữa bốn nước có chung dòng MêKông sẽ gây ra “những hậu quả tàn phá”. Ông cũng phát biểu trong một tuyên bố: “Mỹ và cộng đồng quốc tế đều có lợi ích chiến lược trong việc ngăn chặn xung đột ở khu vực, thông qua việc bảo vệ sức khỏe và sinh kế của hơn 60 triệu người dân sống phụ thuộc vào sông MêKông”.            

(Nguồn: Nytimes.com)

Đập Xayaburi sẽ cắt ngang sông MêKông, thuộc phần lãnh thổ của Lào ở vị trí cách ĐBSCL 1.930 km, cách biên giới Thái Lan về phía Nam (tỉnh Chiang Rai) 365 km. Theo dự kiến, con đập sẽ được xây dựng trong 8 năm, sau khi hoàn thành sẽ có công suất 1.260 MW và 95% điện năng sẽ được bán cho Thái Lan.

Hồ Thủy – Hồng Thắm

                (*) Các tít nhỏ do Tòa soạn đặt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!