(TSVN) – Ngày 4/11/2020, tại Bắc Ninh, với sự tham gia của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, Viện Nghiên cứu NTTS I (Viện I) và Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã ký kết Biên bản hợp tác trong lĩnh vực cung cấp hàu giống bố mẹ.
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, cho biết: Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 4.000 ha nuôi hàu, sản lượng thu hoạch đến nay đạt 42.000 tấn, trong đó sản xuất giống hàu trên địa bàn chỉ đáp ứng 20%. Nhu cầu giống lớn nên cần truy xuất nguồn gốc giống hàu đối với giống nhập từ ngoài và cần sản xuất giống tại chỗ để đáp ứng nhu cầu. Sở NN&PTNT Quảng Ninh muốn siết chặt quản lý sản xuất hàu giống trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng hàu giống, từ đó nâng cao sản lượng cũng như chất lượng hàu thương phẩm. Quá trình quản lý đặt ra vướng mắc lớn cho tỉnh là giống hàu bố mẹ. Được biết, hiện nay, Viện Nghiên cứu NTTS I đã triển khai hàng loạt nghiên cứu về giống hàu cũng như các đối tượng giống nuôi biển khác nên tỉnh Quảng Ninh có nhu cầu phối hợp với Viện, mong muốn Viện I cung cấp giống bố mẹ cho một số doanh nghiệp sản xuất hàu giống tại tỉnh Quảng Ninh; Hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất giống hàu bố mẹ cho các doanh nghiệp; Chuyển giao công nghệ sản xuất thức ăn cho hàu và công nghệ sản xuất giống hàu bố mẹ; Chuyển giao quy trình quản lý, truy xuất nguồn gốc hàu giống.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Công, tỉnh Quảng Ninh mong muốn cung ứng hàu giống đảm bảo chất lượng để đẩy mạnh phát triển đối tượng nuôi này. Vì thị trường tiêu thụ hàu hiện nay rất khả quan, đơn cử mỗi ngày Quảng Ninh xuất sang thị trường Đài Loan 300 tấn (cả vỏ). Đồng thời, trong tương lai, tỉnh sẽ đẩy mạnh chế biến hàu để nâng cao giá trị hàu.
Đại diện doanh nghiệp sản xuất hàu giống tại Quảng Ninh cho biết: Vấn đề giống, chất lượng giống rất quan trọng đối với sản xuất hàu, vì nó quyết định đến chất lượng cũng như trọng lượng hàu thương phẩm. Để cung ứng được hàu giống, doanh nghiệp sản xuất phải có khu vực ương nuôi, trại giống đạt chuẩn. Doanh nghiệp cam kết sẽ đồng hành, đón nhận những chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ về lĩnh vực hàu giống từ Viện I để phát triển ngành sản xuất hàu tại địa phương. Đồng thời, các cơ sở sản xuất hàu giống cũng cần được chuyển giao công nghệ sản xuất thức ăn.
Đại diện Viện I, Viện trưởng Phan Thị Vân cho biết: Viện hoàn toàn có cơ sở để làm tốt công tác chọn hàu giống. Hàng năm viện sẽ đưa ra một cơ sở làm giống tốt nhất làm cơ sở vệ tinh để nhân giống hàu. Đây là lần đầu địa phương và doanh nghiệp tìm đến nhà khoa học nên Viện rất vui mừng. Viện xác định thế mạnh của mình là nuôi biển (cá chim vây vàng và ngao). Viện đồng tình và ủng hộ nhu cầu muốn phát triển cơ sở sản xuất giống vệ tinh của tỉnh Quảng Ninh. Bà cũng cho biết, hiện nay thế mạnh của Viện là nghiên cứu chứ không đủ khả năng sản xuất số lượng lớn con giống để cung cấp nhu cầu. Với các yêu cầu mà tỉnh Quảng Ninh đưa ra, Viện sẽ rà soát và cố gắng phục vụ giống bố mẹ để cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống hàu tại tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời sẽ chyển giao công nghệ sản xuất giống hàu và thức ăn cho hàu cho tỉnh ngay trong tháng 11 này bằng việc sắp xếp cử cán bộ đào tạo tại trung tâm đào tạo giống Cát Bà. Bên cạnh đó, hỗ trợ cơ sở sản xuất giống về mặt cơ chế như đề xuất Tổng cục Thủy sản cấp phép đạt chuẩn sản xuất cho cơ sở, hỗ trợ tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với giống hàu. Viện mong đây là kế hoạch lâu dài, và bố trí nguồn nhân lực phù hợp để thực hiện. Mong đơn vị tiếp nhận dòng giống gốc phải tuân thủ tuyệt đối quy trình, tiêu chí để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cũng cho biết hiện đã có nguồn tảo nhập khẩu từ Mỹ để cung cấp các cơ sở nuôi Quảng Ninh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân ủng hộ, đánh giá cao việc hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I. Hàu là đối tượng nuôi có lợi thế cả tươi sống và thực phẩm chức năng. Hiện nay có thể nuôi ở các khu bảo tồn biển. Tổng cục trưởng cho rằng, đây là cơ hội, là thế mạnh, là chương trình dài hơi, trọng tâm, trọng điểm của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, để đưa nghiên cứu đi vào thực tế sản xuất. Tổng cục trưởng nhấn mạnh, giống bố mẹ chỉ dùng 1 lần, nên cần tuyên truyền cho doanh nghiệp, người nuôi có hiểu biết đúng đắn về quy trình sản xuất giống. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã có chương trình chọn giống xuất phát từ thực tiễn sản xuất nên không ngồi đợi, phải sản xuất ngay, nên có kết quả theo từng giai đoạn. Tổng cục trưởng đề nghị hai bên nên tiến hành hợp tác luôn trong năm nay. Và cũng lưu ý công tác đào tạo, tập huấn phải xuất phát từ tìm hiểu thực tế để xây dựng nội dung tập huấn phù hợp, hiệu quả. Đối với tỉnh Quảng Ninh, cần lựa chọn kỹ càng doanh nghiệp tham gia và có cơ sở truy xuất nguồn gốc. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I tiếp tục chuyên sâu vào nghiên cứu.
Tại buổi làm việc, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã cùng nhau ký kết biên bản hợp tác trong sản xuất hàu giống. Đây là khởi đầu quan trọng giúp cho các bên cùng tham gia hiệu quả vào công tác nghiên cứu, sản xuất, quản lý nuôi trồng thủy sản, cụ thể là đối với sản xuất hàu giống tại Quảng Ninh.