Việt Nam có tiềm năng để trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Nhưng ngành tôm Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về chi phí đầu vào, dịch bệnh, giá cả, chất lượng con giống… VietShrimp 2016 là sự kiện được tổ chức với mong muốn thổi làn gió mới cho ngành tôm Việt Nam trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Họp báo VietShrimp 2016 – Hội tụ để phát triển
Trước thềm hội nhập
Thống kê của VASEP cho thấy, xuất khẩu tôm Việt Nam 2 tháng đầu năm 2016 đạt 378 triệu USD, tăng 8,5% so cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn là thị trường hàng đầu của tôm Việt Nam khi chiếm tới 24,8% tỷ lệ giá trị. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2016 sẽ khởi sắc, ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 12% so năm 2015.
Dự báo lạc quan này được VASEP đưa ra dựa trên cơ sở thuận lợi về thuế đối với các thị trường chính như EU, Nhật Bản; trong khi, nhiều nước đối thủ chính như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia lại không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay chưa có Hiệp định thương mại tự do với EU.
Trên góc độ hội nhập và cạnh tranh, việc tham gia các FTA, TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ có những tác động tích cực đến ngành hàng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng trong việc gia tăng đầu tư, mở rộng thị phần, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng hàm lượng chế biến và có nhiều cơ hội phát triển hơn. Ngoại trừ surimi, cá ngừ đóng hộp, thăn cá ngừ và cua là những mặt hàng hoặc phải có hạn ngạch (trong EVFTA), hoặc lộ trình giảm thuế dài 7 – 10 năm, còn lại hầu hết các mặt hàng đều sẽ có mức thuế bằng 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc chỉ lộ trình ngắn 3 – 5 năm.
Cơ hội khởi sắc cho tôm Việt – Ảnh: Phan Thanh Cường
Tuy nhiên, theo TS Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm ICAFIS, tham gia FTA, TPP và cộng đồng ASEAN vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho ngành tôm. Vừa qua, Mỹ công bố mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm của Việt Nam ở mức khá cao. Rõ ràng, đây là rào cản đối với tôm Việt Nam trước khi TPP chính thức có hiệu lực. Gia nhập TPP, đồng nghĩa với việc tôm Việt Nam có cơ hội được miễn thuế vào thị trường Mỹ khi Hiệp định có hiệu lực, tuy nhiên, trước thời điểm đấy, Mỹ gần như ra một đòn cảnh báo cho tôm Việt Nam. Ngoài ra, ngành tôm Việt Nam hiện cũng phải đối diện với một thách thức lớn, đó chính là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
VietShrimp 2016 sẽ được diễn ra tại Bạc Liêu từ 24 – 26/6/2016
Hy vọng mới từ VietShrimp 2016
VietShrimp 2016 sẽ tập trung đến vấn đề công nghệ, thiết bị trong nuôi tôm. Tuy nhiên những năm tiếp theo sẽ đi theo chủ đề khác. Ban tổ chức VietShrimp cố gắng để mỗi lần hội chợ triển lãm diễn ra với một chủ đề mới, có tính thực tiễn cao, mang tính thời sự và thu hút đông đảo người tham gia để đưa VietShrimp không chỉ trở thành hội chợ triển lãm truyền thống chuyên ngành về tôm quy mô lớn nhất Việt Nam mà còn lớn nhất trên toàn cầu.
Sẽ có 3 sự kiện chính được diễn ra trong Khuôn khổ VietShrimp 2016. Một là, chuỗi hội thảo với nhiều chủ đề của ngành tôm (giống, thức ăn và dinh dưỡng, môi trường và dịch bệnh, quy trình nuôi, liên kết chuỗi…). Các phiên hội thảo này sẽ tập trung nhấn mạnh vào tình hình nuôi tôm của các nước trên thế giới, những thách thức đối với tính bền vững; nhu cầu tôm thế giới và khả năng cạnh tranh của con tôm Việt Nam; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đây là những vấn đề mà con tôm Việt Nam cần phải nghiên cứu, tìm ra những giải pháp kỹ thuật để ứng phó ngay. Các phiên hội thảo sẽ được diễn ra dưới sự chủ trì của các chuyên gia trong nước và quốc tế hàng đầu như: TS Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm ICAFIS; TS Lê Thanh Hùng, Giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh; TS Phạm Anh Tuấn, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; TS. Albert Tacon; TS Rohana Subasinghe, TS Patrick Sorgeloos… Hai là, Hội chợ với quy mô 150 gian hàng của gần 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Tính đến giữa tháng 4/2016, đã có gần 70 gian hàng của hơn 60 doanh nghiệp đăng ký tham gia, trong đó có những tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu tham gia và tài trợ như: Công ty TNHH Nutreco International Việt Nam; Công ty TNHH Uni-President Việt Nam; Công ty TNHH Khoa Kỹ sinh vật Thăng Long; Tập đoàn Việt – Úc; Công ty TNHH Giống thủy sản Dương Hùng; Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung; Công ty Vinhthinh Biostadt; Tập đoàn Famsun… Ba là, Triển lãm ảnh “Tự hào tôm Việt” với gần 100 bức ảnh khổ lớn của các tác giả là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên trong nước và quốc tế, phản ánh sinh động đời sống lao động sản xuất, các mô hình điển hình tiêu biểu ngành tôm Việt Nam; khái quát toàn cảnh sự phát triển của con tôm, từ khâu chọn giống đến ương nuôi theo mô hình tôm – lúa, tôm rừng hay siêu thâm canh công nghệ cao…
Dự kiến VietShrimp 2016 sẽ thu hút khoảng 500 khách mời và hàng vạn hộ nuôi tôm tại Bạc Liêu và các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre cùng tham dự. Lễ khai mạc vào lúc 8h00 ngày 24/6/2016. Với chương trình đa dạng, VietShrimp 2016 hứa hẹn là sự kiện quan trọng, trở thành cầu nối để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi thông tin, tăng cường hợp tác kinh doanh; người nông dân nuôi tôm trên khắp cả nước được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, VietShrimp 2016 cũng hy vọng sẽ góp phần trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, đưa con tôm Việt Nam ngày càng vươn xa trên trường quốc tế.
>> TS Kim Văn Vạn – Phó Trưởng khoa Thủy Sản, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam: VietShrimp 2016 là diễn đàn lớn cho 4 nhà Hội chợ được diễn ra là một sự kiện tuyệt vời, nhất là trong giai đoạn cả ngành tôm và người nuôi tôm đang gặp khó khăn. VietShrimp 2016 không chỉ giúp doanh nghiệp hướng tới khách hàng, quảng bá được sản phẩm; người nuôi được trải nghiệm những sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, tìm ra định hướng để vượt qua khó khăn về môi trường, dịch bệnh, con giống, thức ăn…; mà còn có ý nghĩa to lớn đối với các nhà khoa học nhìn nhận lại sản phẩm dưới tác động của khoa học – công nghệ, kỹ thuật tạo ra. Từ đó, biết được sản phẩm của chúng ta làm ra ở vị trí nào, có hiệu quả hay không, nhằm điều chỉnh trong công tác nghiên cứu để có những ứng dụng sát với thực tiễn hơn. Hơn nữa, đây là một diễn đàn lớn, tạo cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm, trăn trở của 4 nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi; nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng phát triển một cách bền vững. Lê cung (ghi) |