VietShrimp 2016: Ý kiến chuyên gia

Chưa có đánh giá về bài viết

Đến với VietShrimp 2016 là đến với sự gặp gỡ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến có sẵn cho toàn bộ chuỗi giá trị nuôi tôm; cũng như thảo luận về các thách thức đối với ngành nuôi tôm trong tương lai. Đó là chia sẻ chung của các chuyên gia trong nước và quốc tế khi nói và nghĩ về VietShrimp 2016.

Ông Cherdsak Virapat, Tổng Giám đốc Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản châu Á – Thái Bình Dương (NACA): Sự kiện vì ngành tôm bền vững

Ông Cherdsak Virapat, Tổng Giám đốc Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản châu Á - Thái Bình Dương (NACA)Được tham gia chủ trì hội thảo và trình bày tham luận tại VietShrimp 2016 diễn ra 24 – 26/6/2016 tại Bạc Liêu, Việt Nam là vinh dự lớn với tôi. Những sự kiện tại Hội chợ sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam. Đặc biệt, các phiên hội thảo chuyên ngành sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về ngành công nghiệp tôm thế giới và Việt Nam; sản xuất và cung ứng tôm giống; thức ăn nuôi tôm và quản lý thức ăn chăn nuôi; môi trường và quản lý dịch bệnh; chuỗi giá trị/cung ứng và xu hướng biến đổi khí hậu trong hệ thống sản xuất tôm. Nghề nuôi tôm có tiềm năng lớn góp phần gia tăng thu nhập, đảm bảo an ninh lương thực và tăng trưởng kinh tế Việt Nam và thế giới. Đây sẽ là cơ hội tốt cho các bên liên quan như: Chính phủ, khối tư nhân, nông dân gặp gỡ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến có sẵn cho toàn bộ chuỗi giá trị nuôi tôm cũng như thảo luận về các thách thức đối với ngành nuôi tôm bao gồm các tác động của biến đổi khí hậu.

 

Ông Trần Hữu Lộc, Giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh: Nâng tầm tôm Việt

Ông Trần Hữu Lộc, Giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí MinhTrong cơ cấu xuất khẩu thủy sản Việt Nam, con tôm chiếm tỷ trọng lớn và là đối tượng nuôi có đóng góp quan trọng đối với GDP của Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân ở vùng ĐBSCL. Sản xuất, chế biến tôm của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 3 trên thế giới. Vì thế, việc khẳng định vị thế của ngành tôm trên trường quốc tế là rất cần thiết. Theo đó, rất cần xây dựng thương hiệu cho ngành tôm Việt Nam. VietShrimp 2016 là Hội chợ Triển lãm chuyên ngành về tôm lớn nhất lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Xét về khía cạnh trong nước, đây là cơ hội để kết nối khoa học giữa các bên liên quan. Còn trên khía cạnh quốc tế, đây chính là lúc để Việt Nam tăng cường quảng bá, nâng cao hình ảnh và vị thế của con tôm trên toàn cầu. VietShrimp 2016 hứa hẹn sẽ là một sự kiện ý nghĩa, có quy mô lớn, thu hút đông đảo nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, người nuôi tham gia và mang tính chuyên nghiệp cao.

 

Ông Lê Văn Thành, Giảng viên Trường Đại học Hồng Đức: Hội tụ để cùng nhau phát triển

Ông Lê Văn Thành, Giảng viên Trường Đại học Hồng ĐứcTổng thể các hoạt động trong khuôn khổ VietShrimp 2016 có ý nghĩa rất lớn và thiết thực cho nghề nuôi tôm của Việt Nam. Thứ nhất, VietShrimp 2016 là cầu nối vô cùng quan trọng đối với 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi) hội tụ để cùng nhau phát triển. Thứ hai, VietShrimp 2016 sẽ kết nối, đưa các chương trình khoa học công nghệ, thiết bị tiến tiến trong nước và thế giới đến với người nuôi thông qua các nhà khoa học, chuyên gia, học giả, doanh nghiệp… Ngoài ra, đây còn là cơ hội để giúp ngành thủy sản Việt Nam phát triển, đặc biệt là giúp người nuôi tôm, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm quảng bá chất lượng, thương hiệu sản phẩm và hình ảnh con tôm Việt Nam đến các nước trên thế giới; từ đó nâng cao vị thế và tính cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu tôm Việt Nam, phấn đấu vươn lên chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu tôm trên thế giới. Điều này phần nào giúp người nuôi tôm, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến xuất khẩu nâng cao lợi nhuận, đóng góp tích cực vào GDP của đất nước.

Hồng Thắm - Thanh Mai (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!