Đó chính là chủ đề của Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ hai, năm 2018 sẽ được tổ chức tại Bạc Liêu. Tiếp nối thành công của VietShrimp lần thứ nhất, năm 2016; sự kiện này thực sự là niềm kỳ vọng của các doanh nghiệp, người nuôi tôm trong cả nước.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám và lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thăm gian hàng của Tập đoàn Minh Phú tại VietShrimp 2016 ở Bạc Liêu Ảnh: Nguyên Chi
Tiếp nối thành công
VietShrimp 2016 được tổ chức từ 24 – 26/6/2016 ngay tại thủ phủ tôm Bạc Liêu đã tác động rất lớn đến hiệu quả cũng như sự phát triển của ngành tôm của địa phương nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung trong 2 năm qua.
Điều dễ nhận thấy nhất là các hình thức nuôi tôm từ thấp đến cao của Bạc Liêu đã có sự thay đổi rõ nét, khi hầu hết các hình thức nuôi đều có sự hiện diện của các tiến bộ khoa học công nghệ. Chính điều này đã giúp hạn chế rất lớn rủi ro và mang lại thành công nhiều hơn cho người nuôi tôm. Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu chia sẻ, VietShrimp 2016 đã giúp ngành tôm của tỉnh thay đổi rất nhiều, theo hướng ngày một tiến bộ và hiệu quả hơn. Đó là không chỉ thay đổi về khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất mà các mô hình liên kết nông dân với nông dân, giữa nông dân với các doanh nghiệp… cũng được hình thành ngày một nhiều hơn, gắn kết chặt chẽ hơn và phát huy hiệu quả tốt hơn.
Là tỉnh giáp ranh với Bạc Liêu, có diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh thuộc hàng lớn nhất cả nước, từ năm 2016, nhờ sự thay đổi mạnh mẽ về khoa học công nghệ, ngành tôm Sóc Trăng liên tiếp gặt hái được thành công lớn. Năm 2016, sản lượng tôm nước lợ của tỉnh đạt trên 150.000 tấn, vượt chỉ tiêu kế hoạch hơn 50.000 tấn; Vụ tôm 2017 này, dù chỉ mới thu hoạch gần 15.000 ha trong tổng số 40.000 ha đã thả nuôi, nhưng sản lượng tôm nơi đây đã gần 57.000 tấn. ThS Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng đánh giá, sự thay đổi và thành công của ngành tôm Sóc Trăng trong 2 năm gần đây ít nhiều đều có sự tác động từ VietShrimp 2016. Hy vọng, VietShrimp 2018 sẽ mang đến nhiều sự đổi mới tích cực hơn cho ngành tôm trong khu vực.
Nhiều đổi mới
Nói về nét mới của VietShrimp 2018, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD ngành tôm đến năm 2025, chúng ta cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ công tác quản lý ngành đến các vấn đề về tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị con tôm… Trong đó, cần lấy công nghệ cao làm phương châm phát triển bền vững; giúp người nuôi tôm tiếp cận, ứng dụng được các tiến bộ khoa học công nghệ một cách hiệu quả và bền vững nhất. Vì vậy, tại VietShrimp 2018, nội dung các cuộc hội thảo cũng được gói gọn, nhưng sẽ đi sâu hơn, nhằm tạo sự khác biệt cơ bản trong từng vấn đề cụ thể, thiết thực đối với ngành tôm, làm sao tất cả các bên có liên quan đều được tham gia”.
Liên quan đến vấn đề kỹ thuật, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban khoa học kỹ thuật của VietShrimp 2018 chia sẻ, các hội thảo tại VietShrimp 2018 đều hướng đến sự thay đổi về quản lý, khoa học công nghệ, mô hình nuôi… để thành công hơn cho ngành tôm. Ban Tổ chức cũng sẽ dành riêng một chương trình cho nông dân ĐBSCL tiếp cận, trao đổi kinh nghiệm nhằm giải quyết các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình nuôi tôm. Bởi, muốn ngành tôm thay đổi, ngoài việc thay đổi về mặt khoa học kỹ thuật, công tác quản lý ngành, chế biến xuất khẩu… cũng phải có sự thay đổi để phù hợp mới tạo nên chuỗi giá trị hiệu quả và bền vững.