(TSVN) – Đây là chủ đề chính của Hội chợ Triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 4 được dự kiến diễn ra từ 12 – 14/4/2023. Qua 3 lần tổ chức thành công, Hội chợ lần thứ 4 này chắc chắn vẫn là điểm gặp gỡ quan trọng của các doanh nghiệp và người nuôi tôm trong nước, cùng đó là mở rộng cơ hội với ngành tôm thế giới.
2021 là một năm có nhiều biến động lớn, trong đó có đại dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu. Chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng chịu tác động không nhỏ, mà trong đó, con tôm lại là mũi nhọn của ngành hàng này.
Quý II và III năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã đè nặng lên toàn bộ chuỗi thủy sản cả nước như con tôm, cá tra, cá ngừ và các loại thủy hải sản khác. Có tới 50% nhà máy chế biến tôm và cá tra tại khu vực ĐBSCL đã phải đóng cửa, trong 50% nhà máy còn lại, lực lượng lao động chỉ hoạt động 30% công suất của nhà máy. Nhiều doanh nghiệp đã phải tăng thêm chi phí để đầu tư trang bị cho lực lượng lao động sản xuất “3 tại chỗ”…
Tuy nhiên, do tận dụng tốt lợi thế sau đó, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản mang về nguồn kim ngạch vượt sự mong đợi. Trong đó, con tôm sản phẩm chủ chốt để vượt đại dịch.
Đà tăng trưởng của gần nửa cuối năm 2021 đã kéo dài sang năm 2022. Ngay trong quý I/2022, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt hơn 900 triệu USD, tăng hơn 37% so cùng kỳ năm trước và tăng mạnh ở hầu hết các thị trường. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam cho biết, quý I năm nay, các nhà máy lớn tăng trưởng từ 10 – 15%, điều này cho thấy những tín hiệu tốt cho quý II và quý III.
VietShrimp đã thực sự trở thành một sự kiện lớn và quan trọng của ngành thủy sản. Ảnh: Thanh Cường
Nhu cầu thị trường ngày một lớn hơn, nhưng yêu cầu chất lượng sản phẩm cũng ngày một cao hơn. Hiện nay đã không còn khái niệm “thị trường dễ tính” khi mà sức cạnh tranh của sản phẩm tôm trên thị trường rất lớn. Do vậy, để có thể đảm bảo vững chắc vị thế và thắng lợi trong các cuộc cạnh tranh thương mại, buộc các sản phẩm tôm của nước ta phải có chất lượng tốt và duy trì tính ổn định. Để làm được điều này, ngành tôm vẫn đang chú trọng đến các mô hình bền vững, đặc biệt là xây dựng những chuỗi giá trị khép kín, nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và dễ dàng truy xuất nguồn gốc như yêu cầu của các thị trường.
Nhằm góp phần vào hành trình này của ngành tôm, Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 4 năm 2023 đã lựa chọn chủ đề chính “Nâng tầm chuỗi giá trị”. Thông qua các chương trình, diễn đàn tại Hội chợ, chắc chắn sẽ có nhiều hơn những ý kiến hay, những giải pháp tốt áp dụng trong chuỗi sản xuất tôm.
VietShrimp đã trải qua 3 lần tổ chức vào các năm 2016, 2018 tại tỉnh Bạc Liêu, năm 2021 tại TP Cần Thơ với những dấu ấn đậm nét; ngày càng khẳng định được uy tín của một hội chợ riêng về con tôm của Việt Nam cũng như thế giới. Đây cũng là lý do mà VietShrimp luôn thu hút sự quan tâm rất lớn của nhà quản lý, doanh nghiệp, người nuôi tôm và các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế. Đặc biệt, lần thứ ba tổ chức tại TP Cần Thơ, Hội chợ đã tiếp tục thiết lập những kỷ lục mới. Mặc dù, diễn ra trong điều kiện đại dịch COVID-19 đang bao trùm trên thế giới, khiến nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia quốc tế đã buộc phải hủy bỏ kế hoạch tham dự như đăng ký ban đầu; tuy nhiên, sức hấp dẫn của VietShrimp không vì thế mà giảm sút. Bằng chứng là trong 3 ngày diễn ra (từ 14 – 16/4/2021), VietShrimp lần thứ 3 đã tiếp đón trên 12.000 lượt khách tham quan, ba phiên hội thảo chính của Hội chợ với hàng trăm đại biểu là các nhà quản lý, các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học doanh nghiệp và cộng đồng bà con nuôi tôm tham dự.
Nối tiếp thành công đó, Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ tư năm 2023 (VietShrimp 2023). VietShrimp 2023 dự kiến tiếp tục tổ chức tại TP Cần Thơ – trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế và giáo dục của vùng ĐBSCL; đồng thời cũng là trung tâm nghề cá của vùng đất chín rồng trù phú.
Với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị”, VietShrimp 2023 mong muốn được chung tay đóng góp để cùng hành động, hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, trở thành “diễn đàn” lớn của cả 4 nhà: Nhà quản lý – nhà khoa học – nhà kinh doanh – nhà nông; giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới, mô hình tiên tiến, kết nối sản xuất, tiêu thụ, nhằm nâng cao sản lượng, giá trị, bảo đảm lợi ích cho cộng đồng ngành tôm Việt Nam; tăng cường quảng bá hình ảnh con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới… đưa thủy sản Việt Nam nói chung, tôm Việt Nam vươn xa hơn nữa, chinh phục giấc mơ toàn cầu.
Ban Tổ chức hy vọng, với những mong muốn và khát vọng cao đẹp ấy, VietShrimp 2023 sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của hàng vạn người nuôi tôm, các trang trại, doanh nghiệp, công ty, chuyên gia trong nước, quốc tế; các sở, ban, ngành cũng như khách tham quan.
Phạm Thu