Thời gian gần đây, nhiều hộ dân sinh sống tại các xã dọc sông Lô, huyện Sông Lô triển khai mô hình nuôi cá lồng bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân. Tuy nhiên, theo nhận định, mô hình rất khó nhân rộng do vị trí nuôi chưa hợp pháp, khó khăn về vốn và nguy cơ rủi ro cao do ô nhiễm môi trường.
Triển vọng nghề nuôi cá lồng trên sông Lô
Hiện nay, trên tuyến sông Lô đoạn chảy qua địa phận các xã Bạch Lưu, Tứ Yên, Đức Bác và Cao Phong của huyện Sông Lô xuất hiện việc một số hộ gia đình tự phát nuôi cá lồng trên sông. Qua điều tra, đã có 17 hộ đang nuôi, với tổng số 69 lồng và nhiều hộ đang đóng lồng chuẩn bị nuôi. Đây được xem là hướng phát triển tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, tận dụng lợi thế lòng sông, mô hình nuôi cá lồng trên sông đã cho thấy triển vọng và mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho các hộ dân nơi đây.
Chỉ tính riêng xã Đức Bác (Sông Lô) hiện nay có 9 hộ tham gia, với tổng số 31 lồng cá. Theo chân cán bộ địa phương, chúng tôi tới thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Lưu Quang Vũ, thôn Nam Giáp, hộ gia đình có mô hình nuôi cá lồng được đầu tư bài bản, có quy mô lớn nhất xã.
Tiếp chúng tôi trên bè cá vỏn vẹn 10 m² nổi trên sông, anh Vũ cho biết: Từ ấp ủ, hy vọng nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã đi nhiều nơi và thăm quan nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, trong đó đặc biệt chú ý tới mô hình nuôi cá lồng trên sông của các hộ dân tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) và huyện Nam Sách (Hải Dương). Nhận thấy, lợi thếnuôi cá lồng trên sông Lô là việc có thể tận dụng được dòng nước chảy, môi trường nước đảm bảo, ít khi xảy ra dịch bệnh trên cá. Đây được xem là cơ hội phát triển kinh tế và thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương. Đầu năm 2015, anh Vũ mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình nuôi cá lồng. Anh chia sẻ: “Để có kinh nghiệm nuôi cá lồng, tôi đã về tận huyện Nam Sách (Hải Dương) học hỏi kinh nghiệm và đón ông Trần Quốc Đạt, cha của anh Trần Văn Tín, người được mệnh danh là “vua cá lồng” ở Hải Dương lên Vĩnh Phúc để truyền đạt kinh nghiệm và hướng dẫn cách đầu tư nuôi cá lồng một cách bài bản, khoa học.”
Thay vì nuôi bằng lồng tre thông thường, gia đình anh Vũ mạnh dạn đầu tư nuôi cá bằng lồng sắt. Theo tính toán, để đầu tư một lồng cá với kích thước 6x6x3m, gia đình anh phải bỏ ra 30 triệu đồng tiền đầu tư bao gồm con giống, thức ăn…Sản lượng cá đến thời kỳ thu hoạch có thể đạt từ 4 – 4,5 tấn cá/lồng, tương đương với 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản ở trong các ao, hồ. Giống cá được gia đình anh Vũ nuôi chủ yếu là các loại cá có giá trị kinh tế cao, giàu dinh dưỡng như: Cá Lăng, cá Diêu Hồng, cá Trắm đen, cá Chép,…. Thức ăn cho cá trong quá trình nuôi được sử dụng chủ yếu là thức ăn công nghiệp dạng viên, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Thêm vào đó, gia đình anh còn trang bị 2 máy sục khí để tạo thêm ôxy cho cá khi mật độ cá trong lồng dầy hơn và cá lớn hơn, tránh hiện tượng cá chết do thiếu ôxy trong nước. Cũng theo anh Vũ, do địa điểm nuôi cá lồng nằm trên sông mà sông Lô lại là huyện có nhiều doanh nghiệp đang được cấp phép hoạt động khai thác cát sỏi nên hiện tượng tràn dầu từ các tàu cuốc khai thác cát ra môi trường nước là việc không tránh khỏi. Để tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh trưởng, phát triển của cá và thiệt hại về kinh tế không đáng có, gia đình anh Vũ đã phải làm hàng rào bằng tôn chắn xung quanh các lồng cá. Để phòng bệnh cho cá, anh Vũ cũng tận dụng những loại thuốc kháng sinh có trong tự nhiên như: Lá xoan, vôi…để diệt khuẩn, khử trùng môi trường nuôi và tăng khả năng đề kháng cho cá. Nhờ vậy, cá sinh trưởng khỏe mạnh, ít bệnh tật, từ đó, mang lại nguồn lợi nhuận kinh tế ổn định.
Với hơn 10 vạn con giống được nuôi, thả trong 19 lồng cá, trong đó có 17 lồng kích thước 6x6x3m, 2 lồng kích thước 3x3x3m, sau gần 1 năm nuôi, trọng lượng cá trung bình đạt từ 3 – 4 kg/con. Với mức giá thị trường hiện nay dao động từ 160 – 200 nghìn đồng/kg cá Lăng, cá Trắm đen từ 140 – 160 nghìn đồng/kg, cá Diêu Hồng từ 40 – 45 nghìn đồng/kg,…. Tính toán sau khi trừ mọi chi phí, gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Được đầu tư bài bản, khoa học, đến nay, mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Lưu Quang Vũ được nhiều bà con trong và ngoài vùng biết đến và học tập.
Nhận thấy mô hình nuôi cá lồng trên sông Lô là giải pháp phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các loài thủy sản nuôi, UBND huyện Sông Lô có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho quy hoạch vùng nuôi cá lồng trên sông Lô, tạo điều kiện cho bà con nhân dân phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình này trên địa bàn.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Nuôi cá lồng mặc dù hiệu quả là vậy nhưng đây cũng không phải là một mô hình phát triển kinh tế đối với các hộ dân sống dọc tuyến sông Lô. Bởi, một số xã khác của huyện Sông Lô như: Hải Lựu, Phương Khoan, Đôn Nhân, Như Thụy, Yên Thạch, thị trấn Tam Sơn…trước kia cũng có nhiều hộ nuôi nhưng do nuôi theo hình thức tự phát, chưa có kinh nghiệm và đầu tư chưa bài bản dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.
Thực tế, các hộ dân nuôi cá lồng trên sông hiện nay cũng đang gặp phải khó khăn về vốn, do mỗi lồng cá phải đầu tư lên tới 30 triệu đồng. Để có vốn nuôi cá lồng, hầu hết các hộ hiện nay đều phải tự huy động nguồn vốn vay từ anh em, bạn bè, người thân và các tổ chức tín dụng. Tính trung bình, mỗi hộ nuôi từ 3 – 4 lồng cá, kích thước 6x6x3 m thì số vốn phải bỏ ra đã lên tới trăm triệu đồng, chưa kể các chi phí đầu tư khác như: Thức ăn, máy sục khí…Như vậy, nếu không có hỗ trợ từ các chương trình vay vốn ưu đãi, người nông dân khó có khả năng phát triển, mở rộng quy mô nuôi cá lồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Đức Bác cho biết: “Hiện nay, các hộ dân trên địa bàn xã rất mong muốn được sự hỗ trợ về vốn từ phía các tổ chức, các cấp, các ngành để phát triển mô hình. Bởi, nếu chỉ tính riêng việc làm lồng cá, người dân đã phải tốn đến vài chục triệu đồng, chưa kể trang bị thêm các phương tiện hỗ trợ nuôi trồng khác. Chính vì thế, nếu không có nguồn tín dụng hỗ trợ, người nông dân rất khó triển khai, nhân rộng mô hình nuôi cá lồng để đem lại lợi ích kinh tế.” Cũng theo ông Ánh, khó khăn nữa của các hộ nuôi cá lồng vẫn là làm sao để có được đầu ra ổn định. Hiện nay, đa số các hộ nuôi cá lồng đều tự hợp đồng với thương lái đến thu mua nên thường bị ép giá, việc thu mua cá cũng diễn ra thất thường nên không tránh khỏi nhiều hộ nuôi cá lồng đến thời kỳ thu hoạch, sản lượng cá lớn nhưng thương lái đến thu mua nhỏ lẻ.
Đặc biệt, do vị trí các hộ nuôi cá phần lớn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, thậm chí nhiều lồng nuôi đang nằm trong vị trí của các doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Lô; do đó, trong thời gian qua đã có hiện tượng một số hộ dân nuôi cá tranh chấp với doanh nghiệp khai thác cát sỏi, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cát sỏi của các doanh nghiệp; hoạt động nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Vì vậy, để hoạt động khai thác cát sỏi và nuôi trồng thủy sản đi vào ổn định, phát triển bền vững, UBND huyện Sông Lô đã có văn bản số 942/UBND – NN&PTNT ngày 2 tháng 12 năm 2015 đề nghị UBND tỉnh và Sở NN&PTNT cho phép huyện lập quy hoạch vùng nuôi cá lồng trên sông Lô.
Ngay sau khi tiếp nhận văn bản trên, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 8348/UBND – NN3 về việc quy hoạch nuôi cá lồng trên sông Lô và giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Sông Lô kiểm tra, thống nhất đề xuất về việc quy hoạch nuôi cá lồng trên sông Lô. Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành tổ chức kiểm tra việc nuôi cá lồng trên sông Lô. Tại buổi làm việc, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng cho biết, UBND tỉnh đã có Quyết định số 156/QĐ- UBND ngày 20/1/2013 về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, hiện tại trên địa bàn huyện Sông Lô có 13 giấy phép cấp cho các công ty khai thác cát sỏi và 2 giấy phép thăm dò trữ lượng cát sỏi khu vực còn lại trên sông Lô. Như vậy, trên toàn tuyến sông Lô thuộc địa phận huyện Sông Lô đã quy hoạch khai thác cát sỏi, không có điều kiện quy hoạch nuôi cá lồng.
Để tạo điều kiện cho các hộ dân trên địa bàn huyện Sông Lô phát triển nuôi cá lồng và đảm bảo cho công tác quản lý, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Sông Lô chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát các điểm khai thác cát, sỏi đã cấp phép nhưng hết thời hạn đề xuất UBND tỉnh cho dừng khai thác cát sỏi để xác định vị trí cho hộ dân có nhu cầu đầu tư nuôi cá lồng; tại các vị trí chưa cấp phép khai thác cát sỏi tạm cho dừng bổ sung quy hoạch khai thác cát sỏi hoặc thăm dò để dành diện tích cho nuôi cá lồng.
Về vấn đề này, bà Trịnh Thị Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Sông Lô cho biết: “Mặc dù mô hình nuôi cá lồng trên sông không phải là mô hình phát triển kinh tế mới nhưng lại đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn; đồng thời, tận dụng được thế mạnh của địa phương với gần 30km đường sông. Chính quyền địa phương rất mong mỏi được các cấp, các ngành quan tâm, cho quy hoạch vùng nuôi cá lồng ở các vị trí chưa được cấp phép khai thác cát sỏi hoặc đã hết hạn khai thác cát sỏi trên tuyến sông Lô. Có như vậy, hoạt động nuôi trồng thủy sản của bà con mới trở thành hợp pháp và đó cũng là sơ sở để huyện triển khai các chương trình hỗ trợ mô hình nuôi cá lồng trên sông phát triển, nhân rộng.”
Mô hình mang lại hiệu quả là vậy nhưng lại đang “vướng” nhiều khó khăn, khiến cho các hộ nuôi trồng thủy sản vẫn đang thấp thỏm lo âu từng ngày. Hy vọng rằng, việc quy hoạch vùng nuôi cá lồng của bà con nhân dân các xã dọc sông Lô sẽ sớm được thực hiện, làm cơ sở để người dân yên tâm đầu tư nuôi trồng, định hướng phát triển lâu dài, bài bản và khoa học.