Vĩnh Phúc: Khuyến ngư là cầu nối của ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc có bước phát triển mạnh về năng suất, sản lượng; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực. Để có được kết quả đó, bên cạnh các cơ chế chính sách hỗ trợ, đầu tư của tỉnh, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ khuyến nông.


Chuyển giao khoa học kỹ thuật

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Vĩnh Phúc bám sát các chương trình, dự án sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, chủ động xây dựng các mô hình trình diễn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về kỹ thuật và tay nghề cho cán bộ khuyến nông cơ sở và nông dân…; qua đó, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, góp phần tạo bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp.

Chỉ tính riêng năm 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Vĩnh Phúc đã tổ chức được trên 60 lớp tập huấn cho hơn 6.000 lượt nông dân tham gia; 29 hội nghị tham quan đầu bờ, đầu chuồng cho gần 3.000 lượt nông dân; tham gia diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Phát triển cây thanh long ruột đỏ”. Đồng thời, thực hiện 16 chuyên mục “Bạn nhà nông” trên báo Vĩnh Phúc và 12 chuyên mục trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh; in 3.000 tờ công việc nhà công, 6.000 cuốn thông tin khuyến nông, khuyến ngư, 3.000 tờ bướm giới thiệu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới…

 

Nhiều mô hình hiệu quả

Điển hình Mô hình nuôi cá nheo thương phẩm trong ao đất. Ông Nguyễn Công Lệnh, xã Thiện Kế – một trong bốn hộ tham gia mô hình cho biết: “Được Trung tâm hỗ trợ giống và kỹ thuật, gia đình tôi thả gần 2.000 cá nheo giống, sau 8 tháng trọng lượng cá đạt 2 – 2,4 kg/con, tỷ lệ sống khoảng 80%, trừ chi phí lãi hơn 60 triệu đồng.

Năm 2014, từ nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Vĩnh Phúc phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Bình Xuyên triển khai mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng từ tháng 4 – 10/2014, với quy mô 10.000 con/100 m3 lồng, cỡ cá giống khi thả là 240 con/kg. Sau 5 tháng nuôi, cá diêu hồng đạt trọng lượng 600 – 1.000 g/con, tỷ lệ sống 80%. Hoạch toán kinh tế tính trên 100 m3, sản lượng đạt 6,4 tấn, với giá bán 45.000 đồng/kg, trừ chi phí, người nuôi lãi trên 80 triệu đồng.

Tỉnh Vĩnh Phúc khó nhân rộng các mô hình thủy sản hiệu quả – Ảnh: Huy Hùng

Mô hình nuôi cá trê kết hợp với ếch trong lồng lưới được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Vĩnh Phúc triển khai từ tháng 5/2015, hai hộ dân xã Bá Hiến (huyện Bình Xuyên) và phường Đống Đa (TP Vĩnh Yên) tham gia thực hiện. Các hộ được hỗ trợ 100% ếch giống (6.400 con) và cá trê giống (18.000 con). Trong suốt quá trình nuôi, người dân được cán bộ kỹ thuật tại Trung tâm tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý và phòng trị bệnh. Sử dụng thức ăn 100% là cám công nghiệp theo từng lứa tuổi của cá và ếch; thường xuyên vệ sinh, khử trùng tiêu độc, cải thiện môi trường nước, đảm bảo đàn cá trê và ếch sinh trưởng, phát triển ổn định. Sau thời gian 2 – 3 tháng nuôi, đạt kết quả khả quan: Ếch và cá trê sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%, trọng lượng 250 – 300 g/con, cá biệt có những con cá trê đạt trọng lượng tới 500 g. Với giá bán 50.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi vụ cho thu lãi trên 15 triệu đồng, cao hơn 3 – 4 triệu đồng/vụ so với hình thức nuôi đơn.

 

Khó nhân rộng

Dù mang lại hiệu quả, nhưng thực tế cho thấy các mô hình trên vẫn khó nhân rộng, khi dự án kết thúc hỗ trợ thì mô hình dậm chân tại chỗ.

Ông Nguyễn Công Lệnh tham gia mô hình nuôi cá nheo thương phẩm trong ao đất cho biết: “Mặc dù nuôi cá nheo lãi cao hơn các loại cá truyền thống khác, nhưng khi không còn hỗ trợ từ dự án, tôi và các hộ khác không dám nhân rộng, chỉ nuôi cầm chừng vì giá giống cao quá. Hơn nữa, cá nheo thương phẩm chưa có thị trường ổn định nên ai cũng sợ rủi ro”.

“Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư có vai trò là “cầu nối” để chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu cây con, giống mới cho người dân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất trăn trở khi giới thiệu rồi mà không nhân rộng được. Nguyên nhân của tình trạng này cũng là do kinh phí cấp cho các mô hình khuyến nông còn nhỏ giọt, chưa đủ sức tạo đột phá. Từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm Vĩnh Phúc được Nhà nước cấp 1,1 tỷ đồng cho công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Năm 2014 tăng lên 2,8 tỷ đồng, song tính ra mỗi hộ cũng chỉ được hỗ trợ 12.500 đồng/năm, như muối bỏ bể” – ông Vũ Khắc Minh Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Vĩnh Phúc cho biết.

>> Những năm qua, hệ thống khuyến nông – khuyến ngư tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện trên 2.400 mô hình trình diễn, thu hút khoảng 200.250 hộ nông dân tham gia. Các mô hình mới chủ yếu thực hiện theo 3 hướng: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới; nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế các loại cây trồng, vật nuôi; sản xuất sản phẩm an toàn gắn với bảo vệ môi trường.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!