Vực dậy nghề nuôi cá tra: Không thể nói suông

Chưa có đánh giá về bài viết

3 tháng đầu năm 2013, nhiều địa phương ĐBSCL đã thu hẹp diện tích nuôi cá tra. Sản lượng cũng giảm 15% so cùng kỳ năm 2012. Để vực dậy nghề nuôi cá tra, đã đến lúc cần vào cuộc mạnh mẽ kèm theo những biện pháp cụ thể.

Liên kết 4 bên chưa chặt chẽ

Theo Tổng cục Thống kê, diện tích nuôi cá tra, ở Trà Vinh chỉ còn 117 ha, giảm 47,5% so cùng kỳ năm trước; An Giang 779 ha, giảm 18%; Cần Thơ 667 ha, giảm 4,2%… Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng cần phải thực hiện nhiều giải pháp để vực dậy nghề nuôi cá tra. Siết chặt quy hoạch, quản lý theo hướng không tăng diện tích, sản lượng, mà tập trung đầu tư nâng chất lượng, giá trị. Kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng cá tra trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) nào chế biến sản phẩm kém, tỷ lệ mạ băng cao… cần mạnh tay xử lý để tránh ảnh hưởng uy tín cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL giảm mạnh – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Theo ông Phạm Văn Bên, Giám đốc DN tư nhân Thức ăn Cỏ May, để ổn định nghề nuôi cá tra, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 bên: người nuôi – DN sản xuất thức ăn – DN xuất khẩu – ngân hàng. Trong đó, DN xuất khẩu đóng vai trò chính liên kết với người nuôi hình thành vùng nuôi lớn; DN sản xuất thức ăn cung cấp cho người nuôi thông qua hợp đồng với DN xuất khẩu; ngân hàng cung ứng vốn qua hợp đồng giữa DN xuất khẩu với DN thức ăn và người nuôi. Tới kỳ thu hoạch thì người nuôi phải bán toàn bộ sản phẩm cho DN xuất khẩu.

 

Nông dân cần thận trọng

Cũng theo ông Bên, cái lợi của mô hình liên kết này là người dân chỉ cần nuôi gia công nhưng vẫn đảm bảo đầu ra và lãi khoảng 2.000 đồng/kg; DN xuất khẩu có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng và giá đầu vào biết trước, nhằm dễ dàng đàm phán hợp đồng với nước ngoài; DN thức ăn bán được nhiều sản phẩm, trong khi ngân hàng cho DN vay vốn đúng địa chỉ và có tài sản thế chấp rõ ràng… Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều hộ nuôi, do không đủ vốn đầu tư nên cũng liên kết với DN hoặc đại lý bán thức ăn chăn nuôi. Và nhìn chung, trong mối quan hệ này nông dân luôn ở “cơ” dưới.

Ông Nguyễn Văn Tám, nông dân nuôi cá tại Cần Thơ cho biết, hiện có hai hình thức hợp tác nuôi cá tra giữa DN và nông dân. Thứ nhất là DN giao nguyên liệu, nhận thành phẩm. DN đầu tư cho nông dân vốn với mức 3.300 – 5.000 đồng/kg cá thành phẩm (tùy DN). Số tiền này người dân tự mua con giống, thuốc thú y, thức ăn, thuê nhân công và chịu chi phí khác. Bên cạnh đó, DN sẽ cung cấp cho người nuôi lượng thức ăn thủy sản (khoảng 1,6kg thức ăn/kg cá). Thứ hai là DN chọn người nuôi có năng lực nhưng thiếu vốn ở giai đoạn cuối để hợp tác. Theo đó, người nuôi phải lo từ con giống, ao nuôi đến khi cá đạt trọng lượng 0,5 kg/con trở lên thì được DN tiếp sức bằng cách đầu tư thức ăn, mua cá sẽ theo giá thị trường. Do thiếu vốn ở giai đoạn đầu nên hiện nay đa số người nuôi chọn hình thức hợp tác thứ nhất, dù lợi nhuận ít hơn. Theo ông Tám, dù hình thức nào thì nông dân cũng bị động, chịu nhiều rủi ro.

Ông Võ Văn Năm, nông dân nuôi cá tại An Giang chia sẻ: Hợp đồng ràng buộc giữa DN và người nuôi chỉ mang tính hình thức, bởi DN luôn “nắm đằng chuôi”. Trong hợp đồng, dù DN thỏa thuận sẽ thanh toán 20 – 30% số tiền sau khi bắt cá và thanh toán toàn bộ sau 1 tháng; nhưng thực tế nếu may mắn thì sau 5 – 6 tháng người dân mới nhận được tiền, còn nếu gặp DN làm ăn thua lỗ thì bị chiếm dụng vốn, quỵt nợ. Hậu quả là người nuôi vừa cạn vốn vừa mắc nợ ngân hàng, không thể tái đầu tư.

Sao Mai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!