Xanh hóa chuỗi giá trị ngành tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mỗi mắt xích trong chuỗi giá trị ngành tôm đều có liên quan mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau. Do đó, để con tôm đạt chứng nhận xanh, chỉ một mình doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thôi là chưa đủ, mà cần có sự đồng bộ của cả chuỗi. Các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm, các cơ sở nuôi, doanh nghiệp… đều phải thực hiện và đạt các tiêu chí cụ thể về chứng nhận xanh.

Xu thế không thể đảo ngược 

Là một trong những nước đi đầu thế giới về thực hiện chính sách “kinh tế xanh”, Mỹ từ sớm đã thúc đẩy một nền sản xuất xanh, hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo. Còn tại các nước châu Âu, sản xuất xanh là một trong những ưu tiên hàng đầu để xanh hóa nền kinh tế. Mới đây, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức có hiệu lực, trong giai đoạn chuyển tiếp kể từ ngày 1/10/2023, áp dụng đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa. Trước những tác động ngày càng tiêu cực 

Áp dụng máy ép phân, đã góp phần chủ động giảm đáng kể phát thải khí nhà kính trong quá trình nuôi tôm Ảnh: Xuân Trường

của sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cùng sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên… thì sản xuất xanh đang là xu thế tất yếu mang tính toàn cầu và là một mắt xích quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh của mỗi quốc gia. Trong xu thế chung đó, ngành tôm cũng không là ngoại lệ, nói như ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, sản xuất xanh còn là lựa chọn tốt nhất cho ngành tôm trong thời gian tới, nếu muốn giữ vững vị thế và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. 

Cũng theo ông Lực, các doanh nghiệp ngành tôm nên xem việc chủ động sớm bắt nhịp theo xu hướng phát triển xanh, coi đây là một trong những chiến lược sản xuất kinh doanh, nhằm tạo nền tảng cho việc đạt các chứng chỉ xanh, hay các tiêu chuẩn quốc tế, để từ đó thâm nhập sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… có giá bán cao và thuế suất ưu đãi. Việc áp dụng mô hình sản xuất xanh, sẽ giúp ngành tôm đáp ứng được các cam kết, liên quan tới chính sách pháp luật về môi trường, cân bằng phát thải, xử lý nước thải, năng lượng tái tạo, phúc lợi động vật… từ các Hiệp định thương mại tự do, mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết. 

Mô hình xây dựng hầm ủ biogas để xử lý chất thải nuôi tôm, đã được áp dụng khá phổ biến đối với ao nuôi lót bạt Ảnh: Xuân Trường

Không những vậy, sản xuất xanh còn tạo thuận lợi cho việc mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế, bởi sản xuất bền vững là một trong những tiêu chí quan trọng để họ lựa chọn đối tác. Do đó, các doanh nghiệp nên có sự quan tâm đến vấn đề này ngay từ bây giờ, mọi sự chuẩn bị cho lâu bền để hòa nhập xu thế chung, nhằm xác lập lợi thế cạnh tranh là không bao giờ thừa. 

Cần sự đồng bộ cả chuỗi 

Trong tiến trình hướng đến sản xuất xanh, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu luôn là một trong những mắt xích tiên phong. Ngay từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, một số doanh nghiệp đã có sự đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại cho khâu xử lý nước thải, để tái sử dụng một phần nguồn nước này, nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên nước. Còn việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đã được các doanh nghiệp ngành tôm chú trọng trong gần 20 năm qua, thông qua các “Chương trình sản xuất sạch hơn”, mà trọng tâm là sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Gần đây là phong trào làm điện mặt trời áp mái khá phổ biến, góp phần gia tăng tỷ lệ sử dụng điện tái tạo, để có thêm điều kiện đạt tiêu chí này. 

Việc tái chế và tuần hoàn các loại phụ phẩm, rác thải trong quá trình sản xuất, cũng được các doanh nghiệp quan tâm, để vừa giảm rác thải tác hại môi trường, vừa tạo ra sản phẩm hữu ích có giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Người viết vẫn còn nhớ câu chuyện vui nhưng hết sức giá trị, về việc sử dụng bao bì tái chế mà ông Lực đã kể dịp cuối năm 2023, sau khi CBAM của EU chính thức có hiệu lực, trong giai đoạn chuyển tiếp kể từ ngày 1/10/2023. 

Ông Lực từng kể: “Trước đây, có một doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì tái chế, bị các doanh nghiệp chế biến thủy sản chê lên chê xuống, vì lo ngại không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, từ khi có thông tin phía EU sẽ áp dụng CBAM, sản phẩm bao bì tái chế của doanh nghiệp này đắt như tôm tươi, muốn mua phải đặt hàng trước dài hạn mới có”. 

Còn trên lĩnh vực nuôi tôm, thời gian qua, các doanh nghiệp, trang trại và người nuôi đã áp dụng nhiều giải pháp, tiến bộ khoa học – công nghệ vào nuôi tôm, đã góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính, giảm lượng nước sử dụng và giảm thải ra môi trường (nước thải và chất thải) như: Nuôi tuần hoàn nước, ứng dụng công nghệ vi sinh, tiết kiệm điện thông qua việc cải tiến hệ thống quạt tạo ôxy, quản lý tốt thức ăn để hạn chế tình trạng dư thừa làm phát sinh khí nhà kính, lắp đặt hầm biogas để xử lý chất thải, sử dụng máy ép phân tôm ủ làm phân bón…; góp phần giảm đáng kể lượng nước thải, chất thải và phát thải khí nhà kính ra môi trường. 

Một doanh nghiệp nuôi tôm lớn tại Sóc Trăng, còn chủ động xin chủ trương cho doanh nghiệp được trồng rừng phòng hộ ven biển, để bù vào lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình nuôi tôm. Đây là cách làm rất hay, nhưng ý định trên đến nay vẫn chưa triển khai được, mà nguyên nhân chủ yếu là do vướng ở thủ tục hành chính. Lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ: “Khi chúng tôi trình bày ý định trên với ngành chuyên môn, thì được hướng dẫn là phải có dự án. Điều này nằm ngoài tầm với của doanh nghiệp chuyên về chế biến tôm, còn nếu thuê tư vấn thì chi phí lên đến 400 – 500 triệu đồng”. 

Cần hành động quyết liệt hơn 

Theo PGS.TS Võ Nam Sơn, Trường Đại học Cần Thơ, ở khâu nuôi tôm, từ các dạng năng lượng như: xăng, dầu, điện, cho đến các loại vật tư đầu vào phục vụ quá trình nuôi như: Vôi, phân bón, thức ăn, chế phẩm sinh học… đều gây ra phát thải. Đây cũng chính là mắt xích yếu nhất, đáng lo nhất, đặc biệt là ở tiêu chí phát thải khí nhà kính, tuần hoàn, tái chế… trong hành trình xanh hóa chuỗi giá trị, vì để con tôm đạt tiêu chí xanh, đòi hỏi tất cả các khâu trong chuỗi đều phải xanh. Tuy nhiên, cùng có tín hiệu tích cực từ việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào nuôi tôm, để giảm phát thải khí nhà kính, bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Do đó, vấn đề còn lại là việc tích hợp đồng bộ các giải pháp này vào từng mô hình cụ thể, để vừa đảm bảo tính hiệu quả về mặt kinh tế, vừa đảm bảo tiêu chí bền vững. 

Đối với doanh nghiệp, trong khi chờ đợi các chuẩn mực cụ thể được ban hành, cần sớm nhận thức và có tâm thế chuẩn bị sẽ chủ động hơn, trong việc tiếp cận và đạt chuẩn doanh nghiệp xanh sau này. Một trong số đó chính là bộ tiêu chí doanh nghiệp bền vững (CSI) đã được VCCI ban hành. Đây được xem là nền tảng để các doanh nghiệp thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng có thể thực hiện trong chiến lược phát triển xanh trong khi chờ đợi bộ tiêu chí riêng của ngành. 

Tuy nhiên, cái khó của doanh nghiệp hiện nay là chúng ta thiếu dữ liệu phát thải cấp doanh nghiệp, chưa biết cách tính toán, dẫn đến thiếu nhân sự có năng lực giám sát, lập báo cáo… Hơn nữa, chúng ta cũng chưa có các hướng dẫn cần thiết và quan trọng hơn là khả năng theo đuổi doanh nghiệp xanh của các doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế, nhất là hạn hẹp tài chính vì quy mô sản xuất không lớn. 

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!