Xây dựng trung tâm nghề cá vùng: Vì mục tiêu hiện đại hóa nghề cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Xây dựng trung tâm nghề cá (TTNC) vùng được đánh giá là một trong những bước quan trọng để hiện đại hóa nghề cá, đồng thời khai thác và phát huy thế mạnh tối đa của các địa phương. Xung quanh vấn đề này, đã có nhiều ý kiến đóng góp rất xác đáng của người trong cuộc.

Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Chưa thể hiện yếu tố hội nhập thế giới

Chúng ta tham gia vào WTO rồi, nhưng chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường. Ở đây tôi thấy, tiêu chí đặt ra các vùng chưa thể hiện được tính liên kết vùng và lại càng chưa thể hiện được yếu tố hội nhập thế giới. Chính vì thế, tôi đề nghị trong tiêu chí cần làm rõ thêm tính chất kết nối vùng, liên vùng và kết nối quốc gia. Điều đó sẽ làm rõ hơn về khái niệm TTNC, tránh mơ hồ, và để thực hiện được những công việc cụ thể.

TP. HCM là trung tâm thương mại thủy sản từ trước đến nay. Ở đây hội tụ đầy đủ các yếu tố, đặc biệt còn là trung tâm tài chính, điều này rất quan trọng, chứ không chỉ xét đến nuôi trồng hay khai thác. Nên tiêu chí đưa ra cần thêm nhiều tầng, lớp. Bởi như vấn đề xây dựng Cần Thơ là chợ đầu mối sẽ khó thực hiện vì quy luật từ trước đến giờ là xuôi về thành phố, giờ nếu kéo ngược lại Cần Thơ gần như không thể, nên nếu đã xây dựng chợ đầu mối thì chợ gì mới quan trọng, ví dụ chỉ là cá tra, chứ đừng tham vọng tất cả.

 

Cảng cá Nam Du, Kiên Giang – Ảnh: Huy Hùng

Ông Nguyễn Hồng Cẩn – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản: Đây là tư duy đột phá

Ở Việt Nam đã từng có hai đợt xây dựng TTNC, một là vào những năm 1960, và lần thứ 2 là xây dựng 5 trung tâm vào những năm 1980. Vấn đề xây dựng trung tâm công nghiệp phải theo khách quan, quy luật của nó, chứ không theo chủ quan, hành chính hạ tầng. Xây dựng phải tập trung thế mạnh. Phát triển TTNC hay là trung tâm công nghiệp, trung tâm chế biến hay dịch vụ giao dịch đều phải theo quan niệm. Ở đây lấy Cần Thơ là trung tâm thì đây là trung tâm của cả vùng, gọi tên là Cần Thơ chứ không phải của riêng Cần Thơ, phải có sự liên kết, tư duy liên kết, tư duy lợi ích, tư duy phát triển chứ không thể là tư duy riêng của Cần Thơ. Đứng về học thuyết thương mại cũ thì Cần Thơ hợp lý, dựa vào tài nguyên, khí hậu, thời tiết, nhân lực… Đây là tư duy đột phá của nghề cá Việt Nam, hy vọng nó sẽ tạo sự khác biệt nổi trội.

 

Ông Đào Công Thiên – Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa: Hướng đi đúng căn cứ trên thực tiễn

Ngành thủy sản vùng Nam Trung bộ hiện còn phát triển manh mún, quy mô và hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh địa phương. Hạ tầng nghề cá được đầu tư dàn trải, tàu thuyền khai thác phần lớn công suất nhỏ dưới 90 CV, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa được chú trọng, dẫn đến sự thiếu ổn định của lĩnh vực chế biến. Bên cạnh đó, ngành thủy sản chưa được đầu tư để tăng giá trị nên vẫn chưa có được thương hiệu thủy sản của riêng vùng. Đầu tư cho nghề cá đòi hỏi vốn lớn, nếu đầu tư riêng cho từng tỉnh sẽ không đủ nguồn lực để xây dựng nghề cá theo hướng hiện đại. Do đó, việc tập trung đầu tư theo vùng sẽ là hướng đi đúng đắn căn cứ trên thực tiễn phát triển của nghề cá Việt Nam.

 

Ông Ngô Anh Tuấn – Nguyên Vụ trưởng KH-TC (Bộ NN&PTNT): Cần làm rõ thế mạnh từng địa phương

Cần phải làm rõ khái niệm TTNC và cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của TTNC vùng. Phân tích mối quan hệ giữa các địa phương trong vùng dể phát huy lợi thế của từng địa phương khi phối hợp trong mối quan hệ vùng. Bởi trong vấn đề đưa ra, thế mạnh của các tỉnh còn mỏng, mặc dù đã được xác định. Đặc biệt, mảng nuôi trồng có tiềm năng rất lớn, nên làm thế nào để khơi dậy thế mạnh này. Mặt khác, cần phải làm rõ mối quan hệ giữa thủy sản với các ngành kinh tế khác. Đặc biệt ở đây là còn thiếu yếu tố rất quan trọng là chế biến nội địa (nước mắm, sản phẩm khô…). Hơn nữa, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng là thế mạnh của vùng nhưng chưa được đề cập rõ.

 

Ông Vương Học Vinh – Giảng viên Trường Đại học An Giang: Nhiều mục tiêu quá sẽ khó kham nổi

Dựa vào các tiêu chí đưa ra, tôi thấy đặt Cần Thơ làm trung tâm vùng là hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay dường như Cần Thơ đã quá tải, nên nếu làm thì cơ sở hạ tầng cần có ý tưởng mới và phải làm lại; thứ hai là trong báo cáo về chợ đầu mối, nếu đặt tại Cần Thơ cũng chưa thuận. Vì Cần Thơ hiện thiếu hệ thống kho bãi, nên sẽ phải triển khai xây dựng trước để khi bắt tay vào được dễ dàng.

Hơn nữa, các mục tiêu đưa ra nhiều quá trong khi sức người có hạn, nhiều công việc làm cùng lúc như vậy sẽ khó kham nổi. Do đó, cần phải chọn hướng đi cụ thể và tập trung nguồn lực để phát triển nó, thực hiện từng mục một sẽ khả quan hơn rất nhiều.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!