T2, 06/07/2020 01:39

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 16/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.


Tàu cá vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt vi phạm như đối với cá nhân.

Thời hiệu xử phạt

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là 1 năm; trừ các trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu tàu cá, giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS, bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì thời hiệu xử phạm vi phạm hành chính là 2 năm.

Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả

Đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn;

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, bao gồm: Tàu cá, ngư cụ, công cụ kích điện, chất cấm, hóa chất, hóa chất cấm, chất độc, thủy sản và sản phẩm thủy sản khai thác, giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này quy định các biện pháp khắc phục hậu quả.

Quy định mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực thủy sản là 1 tỷ đồng.

Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điều 40 Nghị định này. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức bằng 2 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.

Hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

Vi phạm quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Vi phạm quy định bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản: Phạt tiền đối với hành vi vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự từ 5 – 200 triệu đồng (tùy hành vi vi phạm).

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Vi phạm quy định về khu vực cấm khai thác thủy sản

Khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác hoặc khu vực cấm khai thác có thời hạn mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng (tùy thuộc vào chiều dài tàu cá).

Đối với hành vi sử dụng tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực) vi phạm quy định tại Điều này thì phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đã được quy định tại Điều này.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu ngư cụ khai thác thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Biện pháp khắc phục: Buộc phải thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này. Cùng đó, buộc chuyển giao số thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Vi phạm quy định về quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm

Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận hoặc phương án khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Khai thác trái phép loài thủy sản không đảm bảo điều kiện theo quy định thuộc Nhóm II của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt từ 3 – 50 triệu đồng (tùy vào khối lượng thủy sản khai thác);

Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt từ 30 – 100 triệu đồng (tùy khối lượng khai thác).

Phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng đối với hành vi không thả đủ số lượng cá thể loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm sản xuất được vào vùng nước tự nhiêm trong thời gian quy định khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác thủy sản nguy cấp, quý, hiếm sản để nghiên cứu tạo nguồn giống và sản xuất giống thủy sản.

Hình thức xử phạt bổ dung: Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 3 đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Biện pháp khắc phục: Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; Buộc chuyển giao thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý đối với hành vi vi phạm; Buộc thả bổ sung thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định.

Vi phảm quy định về quản lý khu bảo tồn biển

Phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm (tùy thuộc vào mức độ vi phạm). Đồng thời, buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

(Còn nữa)

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!