Thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững đã bức bách đặt ra và tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL trung tuần tháng 7 ở tỉnh Hậu Giang, giải pháp liên kết được nhiều người nêu lên.
Ủy viên Chuyên trách kinh tế của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, TS Trần Hữu Hiệp, nhấn mạnh với Tạp chí Thủy sản Việt Nam: “Liên kết vùng chặt chẽ giữa các địa phương cần được xem là yêu cầu quyết định cho mọi hoạt động kinh tế – xã hội để ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trước tác động xấu của thiên tai. Cấp bách thúc đẩy liên kết vùng trong mọi tính toán phát triển, cả tầm nhìn lâu dài lẫn giải quyết những việc bức xúc trước mắt”.
Đợt hạn và mặn đầu năm nay, dư luận từng xôn xao với thông tin tỉnh Long An từ chối giúp tỉnh Tiền Giang đắp đập ngăn mặn. Nay, UBND tỉnh Long An giải thích, đầu tháng 5/2016, tỉnh đã có kế hoạch đắp đập ngăn mặn trên 6 con rạch để giúp tỉnh Tiền Giang bảo vệ vùng cây ăn trái. Tuy nhiên, sau đó, có thông báo từ Cục Khí tượng Thủy văn Trung ương là những ngày tới nước ngọt từ thượng nguồn đổ về nhiều, độ mặn sẽ hạ xuống nên tạm dừng đắp đập để theo dõi, chứ không phải từ chối giúp đỡ. Qua thiên tai, UBND tỉnh Long An “rút ra bài học cho những năm tiếp theo là sẽ cùng phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương khác”.
Cũng qua thiên tai năm nay, nhiều ý tưởng liên kết vùng nảy ra từ các địa phương. Tỉnh Bến Tre và Sóc Trăng đề nghị xây dựng hệ thống dẫn nước ngọt từ thượng nguồn sông Mê Kông về vùng ven biển, để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Trong từng tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh cũng có thêm kinh nghiệm mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt cho vùng xâm nhập mặn, nhằm thích ứng lâu dài, tránh bị động.
Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết, ĐBSCL có 1,9 triệu ha ở vùng đầu nguồn bị ảnh hưởng lũ, 1,2 – 1,6 triệu ha ở vùng biển bị xâm nhập mặn, 1 triệu ha ở những vùng trũng bị nhiễm phèn. Trong đó, khoảng 2,1 triệu ha ở những vùng xa sông, gần biển bị thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nước mặt thiếu trong lúc nước ngầm lại có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt.
Vựa thủy sản của cả nước đang đứng trước những thách thức nặng nề. TS Nguyễn Trọng Uyên, Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho biết, diện tích nuôi thủy sản ở ĐBSCL năm 2015 đạt 765.000 ha, sản lượng hơn 2,4 triệu tấn. Năm 2016, nước mặn xâm nhập sâu hơn bình thường đến 35 km đã gây xáo trộn lớn vì theo TS Nguyễn Văn Sáng và TS Phan Thanh Lâm ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, độ mặn tốt nhất với tôm thẻ chân trắng là 10 – 15%, tôm sú 15 – 20%, các loài cua và cá nước mặn khác cũng cần dưới 35%. Khi độ mặn cao với diễn biến thời tiết khắc nghiệt đã làm ô nhiễm môi trường, phát sinh nhiều dịch bệnh.
Nên ngành thủy sản ở ĐBSCL đòi hỏi phải quy hoạch lại. Bên cạnh, giải pháp công nghệ cũng được nhiều nhà quản lý, khoa học nhấn mạnh, đó là sử dụng giống mới, áp dụng quy trình canh tác an toàn. Để thành công, càng phải liên kết vùng sâu rộng.
Nên GS – TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, hơn bao giờ hết, sự liên kết chuỗi, liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng là bức thiết. Ông nhấn mạnh thêm: “Các bộ, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau để đối diện với các thách thức. Vấn đề đổi mới thể chế và xác định cơ chế phối hợp là bức thiết”.