Bạc Liêu: Kinh nghiệm nuôi cá dứa trong ao tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Mô hình nuôi cá dứa trong ao tôm thẻ chân trắng của ông ông Trần Hoàng Minh (ngụ ấp Giáp Nước, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) thời gian qua đã cho hiệu quả khả quan; khắc phục được những bất cập trong các mô hình nuôi tôm trước đây.

Xuất phát từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng không mang lại hiệu quả kinh tế nên vào tháng 2/2015, ông Trần Hoàng Minh đã tiến hành cải tạo ao nuôi để thử nghiệm nuôi cá dứa (hay còn gọi là cá tra bần) với diện tích 6.000 m2 gồm 2 ao. Vụ đầu tiên, ông Minh thả nuôi khoảng 10.000 con giống, loại 25 – 40 con/kg, mật độ 2 con/m2, nguồn giống mua ở Sóc Trăng. Sau 8 tháng, ông Minh thu hoạch hơn 10 tấn cá thương phẩm, kích cỡ 0,8 – 1,2 kg/con, với giá bán 115.000 – 120.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 440 triệu đồng. Tháng 3/2016, ông Minh đã thả cá dứa giống (mật độ 2 con/m2) cho vụ mới, hứa hẹn nhiều thành công.

nuôi cá dứa trong ao nuôi tôm

Năng suất cá dứa thương phẩm đạt 10 – 15 tấn/ha – Ảnh: Trần Thiện

Đúc kết từ sản xuất thực tế, để thực hiện mô hình này thành công, cần lưu ý một số khâu kỹ thuật như sau:

 

1. Ao nuôi

Trước mỗi vụ, ao nuôi cần được cải tạo, gia cố bờ, bón vôi, phơi đáy. Lưu ý vét kỹ lớp bùn, phơi đáy ao, vì cá dứa là loài ăn nhiều nên lượng chất thải tích tụ nền đáy khá lớn.

Diện tích thích hợp 3.000 – 5.000 m2, ao quá lớn hoặc quá nhỏ đều không thuận lợi trong khâu chăm sóc, quản lý và thu hoạch cá thương phẩm; duy trì mức nước 1,2 –  1,5 m. Đặc tính của cá dứa thích sống đáy, ao càng sâu càng tích tụ nhiều vật chất hữu cơ, hàm lượng ôxy thấp, do vậy bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của cá.

Nước sau khi được bơm vào ao cần xử lý cẩn thận theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn. Khuyến cáo người nuôi cần gây màu nước cho ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, phân vi sinh… đến khi nước ao có màu xanh đọt chuối hoặc vàng nhạt để cá sinh trưởng và phát triển thuận lợi.

Kiểm tra các yếu tố môi trường và duy trì trong ngưỡng thích hợp, như: độ mặn 10 – 15‰, pH 6,5 – 8, nhiệt độ 26 – 320C, ôxy hòa tan 5 – 8 ppm.

 

2. Chọn thả cá giống

Hiện nay, cá dứa giống chủ yếu có nguồn gốc từ các tỉnh An Giang, Tiền Giang với kích cỡ 4 – 6 cm/con. Trong quá trình vận chuyển nên cẩn thận để tránh làm xây xát ảnh hưởng đến sức khỏe cá giống. Với điều kiện ao nuôi của Bạc Liêu, khuyến cáo thả giống với mật độ 1 – 2 con/m2, loại 25 – 40 con/kg, nên thuần hóa độ mặn trước khi thả nuôi và hạn chế thả cá giống khi thời tiết không thuận lợi.

 

3. Chăm sóc, quản lý ao nuôi

Cá dứa thuộc họ cá tra, có khả năng thích nghi tốt với chênh lệch độ mặn, tuy nhiên cá chịu đựng kém trong môi trường nước có hàm lượng ôxy hòa tan thấp. Do vậy, người nuôi nên lắp đặt và vận hành hệ thống quạt nước để đảm bảo cung cấp ôxy cho cá sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt khi cá được 4 tháng tuổi trở lên.

Trong nuôi cá dứa thương phẩm, lưu ý sử dụng thức ăn công nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, độ đạm 18 – 25%. Thức ăn được bảo quản trong kho cẩn thận để duy trì chất lượng, đảm bảo giá trị sử dụng. Trong quá trình nuôi không cho cá ăn dư thừa, ảnh hưởng đến chất lượng nước, thông thường lượng thức ăn bằng 5 – 7% trọng lượng thân. Lưu ý, cá dứa rất háu ăn cho nên khu vực cho ăn phải rộng, xa bờ để tránh tình trạng cá tranh giành thức ăn, ăn không đều sẽ gây ra hiện tượng phân đàn.

Trong quá trình nuôi, nên sử dụng chế phẩm vi sinh, khoáng, vôi để ổn định chất lượng, trộn men tiêu hóa, vitamin, dưỡng chất vào thức ăn cho cá để tăng sức đề kháng, cải thiện tỉ lệ sống khi thu hoạch.

 

4. Thu hoạch

Khi nuôi được 10 – 12 tháng, cá đạt trọng lượng 1 – 1,2 kg/con có thể thu hoạch, hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) 1,5 – 2.

Thu hoạch bằng cách kéo lưới, lưu ý hạn chế gây xây xát cho cá thương phẩm.

Năng suất cá dứa nuôi thương phẩm khoảng 10 – 15 tấn/ha. Với giá bán hiện nay 115.000 – 120.000 đồng/kg, đây là mô hình hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Trần Thiện

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!