Báo động về cá hồi nhiễm độc

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá hồi là một trong những món ăn được rất nhiều người phương Tây ưa thích trong dịp lễ Giáng sinh. Thế nhưng, loại cá này đang bị nhiễm độc một cách đáng báo động.

Báo Le Monde của Pháp ra ngày 24/12 cho biết, người tiêu thụ Pháp bắt đầu lo ngại trước hàng loạt thông tin về tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng và lây nhiễm sang cá hồi, cho dù là cá nuôi hay cá đánh bắt trên biển. Có rất nhiều các chỉ trích, phê phán và đặc biệt là nhắm vào Na Uy, quốc gia có sản lượng cá hồi lớn nhất thế giới.

Sản lượng cá hồi của Na Uy trong năm 2011 – 2012 lên tới xấp xỉ 172 ngàn tấn, bỏ xa Anh, đứng hàng thứ hai, với sản lượng chỉ là 23 ngàn tấn rưỡi. Báo Le Monde cho biết, đối với Na Uy, nuôi trồng và đánh bắt hải sản là nguồn thu nhập đứng hàng thứ hai, 6,6 tỷ euro trong năm 2012, chỉ sau dầu lửa, trong số này, riêng xuất khẩu cá hồi là 3,8 tỷ euro. Chỉ trong vòng 3 thập niên, Na Uy đã thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường rất có lãi này. Hầu như không tồn tại đầu những năm 1980, giờ đây, sản lượng cá hồi nuôi trong các trang trại trên thế giới đã vượt qua ngưỡng 2 triệu tấn, trong số này, 60% là của Na Uy.

 

Lồng nuôi cá hồi tại Na Uy

Nước Pháp là khách hàng số một của các trại nuôi cá hồi Na Uy. Khối lượng cá hồi được bán tại Pháp, trong hai thập niên qua, đã tăng vọt, từ 6 ngàn lên tới 20 ngàn tấn và dân Pháp hầu như ăn cá hồi quanh năm, chứ không chỉ trong dịp Noel. Trong số các loại cá được tiêu thụ tại Pháp, cá hồi chiếm vị trí số một, với hơn 33 ngàn tấn rưỡi trong giai đoạn 2011 – 2012.

Thế nhưng, các thông tin về mức độ nhiễm độc của cá hồi Na Uy được loan tải liên tục tại Pháp trong thời gian qua đã làm giảm mức tiêu thụ. Trong tháng 11 vừa qua, khối lượng cá hồi tươi được bán ra đã giảm 25% so với cùng thời kỳ này năm ngoái, loại cá hồi hun khói cũng bị giảm 10,8%.

Các tổ chức bảo vệ môi trường, như Green Warrior, tố cáo tình trạng nuôi cá hồi tại Na Uy: Mật độ cá trong mỗi lồng nuôi quá cao, hàng trăm ngàn thậm chí lên tới triệu con. Chúng thải ra một khối lượng lớn azote và phosphore. Mật độ nuôi dày đặc làm cho cá dễ bị nhiễm các loại bệnh, đặc biệt các loại ký sinh trùng. Để tẩy khử, người ta phải dùng đến chất diflubenzuron, một loại hóa chất làm tổn hại đến hệ động vật biển. Giới nuôi cá hồi khẳng định là liều lượng sử dụng hóa chất độc hại này vẫn nằm trong giới hạn cho phép của cơ quan y tế và an toàn thực phẩm Na Uy, nhưng điều này không làm cho người tiêu dùng trên thế giới yên tâm.

Ông Jérôme Ruzzin, chuyên gia về chất độc hại đối với môi trường, thuộc đại học Bergen, Na Uy cho biết, trong cá hồi nuôi, mức độ tập trung một số hóa chất độc hại, cao hơn từ 7 đến 10 lần so với các loại thức ăn khác. Vậy tại sao châu Âu lại chấp nhận cho tiêu thụ loại cá độc hại này? Vẫn theo chuyên gia Ruzzin, bởi vì đối với các loại cá, châu Âu không quy định mức độc hại tối đa cao như trong các sản phẩm khác, ví dụ sữa, trái cây…

Chính vì vậy, tháng 7/2013, Cơ quan An toàn Y tế Thực phẩm Pháp – ANES – đã ra thông báo: “Chúng tôi khuyến nghị ăn cá mỗi tuần hai lần, chứ không phải “ít nhất” là hai lần, như chúng tôi đã từng khuyến nghị trước đây. Trong hai lần đó, có một và chỉ có một lần ăn cá béo”. Đối với ANES, vượt quá mức này, các ích lợi dinh dưỡng, như phòng ngừa rủi ro tim mạch, không làm xua tan nổi những nghi vấn về rủi ro bị nhiễm các chất độc hại.

Cũng trong hồ sơ về cá hồi, báo Le Monde còn có bài nói về việc “Thụy Điển buộc phải quay sang Na Uy” để nhập khẩu cá hồi, bởi vì, Thụy Điển đánh bắt cá hồi chủ yếu ở biển Baltic và các hồ Vanern và Vattern.

Các vùng đánh cá nói trên bị ô nhiễm nặng nề, với mức độ tập trung cao dioxine và các chất PCB (polychlorobiphényles). Cá đánh bắt tại những nơi này có mức độ nhiễm chất độc hại cao gấp 10 lần so với cá nuôi. Cơ quan an toàn thực phẩm Thụy Điển “khuyến nghị trẻ nhỏ, thiếu niên và phụ nữ trong độ tuổi sinh con không ăn cá hồi đánh bắt tại các vùng này quá hai hoặc ba lần mỗi năm”.

Thế nhưng, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, Thụy Điển đã phải nhập khẩu cá hồi của Na Uy, cho dù hồi tháng 6/2013, chính cơ quan an toàn thực phẩm của Na Uy đã lưu ý là phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không nên ăn cá hồi nuôi quá hai lần mỗi tuần.

Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ môi trường Thụy Điển tố cáo chính quyền Stockholm đã coi nhẹ vấn đề tiêu thụ cá hồi.

Nh.Thạch (AFP)

Báo điện tử Petrotimes

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!