Đảm bảo độ kiềm và khoáng chất trong ao

Chưa có đánh giá về bài viết

Tôm có thể hấp thu hoặc đào thải khoáng chất trực tiếp vào môi trường thông qua mang và bề mặt cơ thể. Việc bổ sung thường xuyên khoáng chất vào môi trường nuôi có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng.

Đảm bảo độ kiềm và khoáng chất trong ao

1. Độ kiềm

Độ kiềm thể hiện khả năng trung hòa acid của nước, nhờ đó giữ cho độ pH của nước được ổn định. Trong nước có nhiều chất có tính kiềm như muối carbonate (CO32-), bicarbonate (HCO3-), silicate, phosphate, ammonia, OH- và nhiều hợp chất hữu cơ khác (Boyd&Tucker 1992). Các bazơ chính trong ao nuôi thủy sản bao gồm CO32-, HCO3- và OH-. Độ kiềm mà chúng ta đo đạc được khi sử dụng kit đo độ kiềm hoặc phương pháp phân tích hóa học gọi là độ kiềm tổng số, được biểu diễn bằng hàm lượng CaCO3 (mg/L). Độ kiềm ban đầu cao hay thấp phụ thuộc vào chất đất, nguồn nước và khả năng bổ sung CO32-, HCO3- và OH- dưới dạng vôi của người nuôi tôm. Trong quá trình nuôi, độ kiềm phụ thuộc vào mức độ phát triển của tảo và các sinh vật khác có trong ao như ốc đinh hay nhuyễn thể hai mảnh vỏ, hoạt động lột xác của tôm, mức độ thay nước và hoạt động bổ sung CO32-, HCO3- và OH- dưới dạng vôi của người nuôi.

Độ kiềm là thông số rất quan trọng trong nuôi tôm thẻ chân trắng do có liên quan trực tiếp đến độ ổn định của pH nước và hoạt động lột xác của tôm. Độ kiềm càng lớn, pH của nước càng ổn định. Độ kiềm thấp của các vùng nước ngọt hoặc có độ mặn thấp ảnh hưởng rất lớn đến khả năng lột xác và tỷ lệ sống của tôm nuôi. Theo Limsuwan (2005), độ kiềm trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng phải ở mức trên 80 mg CaCO3 /L và cần được kiểm tra thường xuyên, ít nhất là 1 tuần/lần. Độ kiềm thường giảm vào mùa mưa do nước mưa có tính acid hoặc sau khi tôm lột xác hoặc trong ao có nhiều ốc đinh. Độ kiềm thấp làm ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, khiến cho tôm bị mềm vỏ, chậm lớn, có tỷ lệ sống thấp. Các ao nuôi có độ kiềm quá thấp (dưới 20 mg CaCO3/L) thường rất khó để gây màu nước. Để tăng độ kiềm trong ao nuôi tôm có thể dùng dolomite, vôi tôi Ca(OH)2 hoặc NaHCO3 công nghiệp.

Độ kiềm cao (200 – 300 mg CaCO3/L) kết hợp với pH lớn hơn 8,5 lại ngăn cản quá trình lột xác của tôm do lượng muối có trong môi trường nước ao quá lớn. Trong các ao nuôi tôm nếu tảo phát triển quá mức, chúng sẽ làm cân bằng carbonate trong nước dịch chuyển sang phía hình thành CO32-, khiến cho độ kiềm của nước tăng.

Để kiểm soát ta có thể thay nước hoặc diệt bớt tảo. Nếu diệt tảo cần lưu ý thực hiện vào buổi sáng và đảm bảo duy trì hàm lượng ôxy hòa tan trong nước ao. Tại một số vùng nuôi sử dụng nước ngầm, độ kiềm có thể quá cao, ảnh hưởng xấu đến tôm nuôi. Kinh nghiệm xử lý độ kiềm cao là sử dụng 3 trái thơm (dứa) cho mỗi 1.000 m3 nước ao, xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố, rồi hòa với nước tạt xuống ao. Làm liên tục một vài ngày cho đến khi độ kiềm giảm đến mức mong muốn.

2. Khoáng chất

Tôm nuôi cần được cho ăn đầy đủ khoáng chất để đảm bảo có sức đề kháng tốt với bệnh tật hoặc stress, tạo vỏ mới và mô thịt, điều hòa áp suất thẩm thấu, xúc tác cho dẫn động thần kinh và hoạt động của cơ. Các khoáng chất vi lượng như Zn, Mn, Cu, Se, Cr, Co, I, Fe và Mo rất quan trọng với quá trình trao đổi chất của tôm. Khoáng chất đa lượng cần thiết cho tôm gồm Ca, P, Mg, S và K (Pamulapati&Behera 2013).

Tôm có thể hấp thu hoặc đào thải khoáng chất trực tiếp vào môi trường thông qua mang và bề mặt cơ thể. Vì thế, cả hàm lượng khoáng chất có trong thức ăn lẫn trong môi trường nuôi đều quan trọng đối với tôm, đặc biệt khi chúng được nuôi thâm canh ở mật độ cao. Lượng khoáng chất có trong nước mặn trên 20 ppt có thể đủ cho nhu cầu của tôm nhưng cần phải được bổ sung nếu môi trường nuôi có độ mặn thấp. Độ mặn càng thấp, lượng khoáng phải bổ sung sẽ càng nhiều. Thông thường, cho mỗi 1.000 m3 nước ao, cần phải bổ sung 1 – 3 kg khoáng/lần. Việc bổ sung thường xuyên khoáng chất vào môi trường nuôi có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng. Mật độ nuôi càng cao (50 – 200 con/m2) thì thời gian giữa 2 lần bổ sung khoáng chất vào môi trường nuôi càng ngắn, dao động 3 – 7 ngày. Tương tự như vậy, càng về cuối vụ nuôi cần phải tăng lượng khoáng chất cũng như giảm thời gian giữa 2 lần bổ sung liên tiếp. Vào chu kỳ lột xác, tôm hấp thụ khoáng chất mạnh nhất vào khoảng 2 – 4 giờ sáng. Chính vì vậy người nuôi tôm nên bổ sung khoáng chất vào môi trường nuôi trước đó khoảng 3 – 4 giờ.

Skretting Vietnam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!