Đồng Tháp: Xây dựng mô hình sản xuất giống cá tra chất lượng cao theo VietGAP

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là đề tài đang được tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ thực hiện trên vùng nuôi cá tra giống tại huyện Hồng Ngự, với kinh phí 1,8 tỷ đồng.

Trong quá trình ương nuôi cá, không sử dụng hóa chất và kháng sinh cấm – Ảnh: LHV

Theo đó, huyện Hồng Ngự đã chọn các hộ sản xuất cá tra bột, giống và các hộ ương nuôi tại xã Phú Thuận A, Phú Thuận B, vùng nuôi cá tra tập trung của huyện thực hiện theo quy trình công nghệ sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian thực hiện đề tài trong hai năm (2014 – 2015), mục tiêu xây dựng 3 mô hình quản lý áp dụng thực hành tốt hơn cho trại sản xuất cá tra bột và ương cá giống, khai thác chất lượng đàn cá hậu bị do Bộ NN&PTNT chuyển giao cho địa phương trước đó, hướng tới tỷ lệ thành thục đạt trên 90%, tỷ lệ thụ tinh trên 80%, nở trên 75% và tỷ lệ sống sau 3 tháng ương nuôi đạt 25 – 30%. Trong quá trình ương nuôi, không sử dụng hóa chất và kháng sinh cấm.

Được biết, cá tra giống huyện Hồng Ngự đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền, là nền tảng quan trọng để huyện từng bước đồng bộ và nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra giống. Bên cạnh đó, để chuẩn hóa quy trình sản xuất ngay từ đầu vào, ngành nông nghiệp địa phương đã tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn cải tiến chất lượng cá bố mẹ, người nuôi chủ động trong việc nhân giống.

Huyền Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!