Hải Dương: Nuôi thủy sản theo hướng an toàn

Chưa có đánh giá về bài viết

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương đã triển khai thành công Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo hướng an toàn trên địa bàn tỉnh Hải Dương” từ năm 2012, đến nay đã tạo hiệu quả và giá trị kinh tế cho người dân.

Hướng đi thích hợp

Từ năm 2012, Trung tâm đã tiến hành xây dựng mô hình nuôi cá rô phi lai xa ghép với các loại cá truyền thống, sử dụng chế phẩm sinh học nhằm bổ sung vào thức ăn và hạn chế thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi. Đến nay, mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả cao, trong vụ nuôi cá qua đông năm 2015 với quy mô 20 ha tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ cho kết quả tốt. Sau 6 tháng thực hiện, cá rô phi lai xa nuôi chủ lực có tỷ lệ sống trên 90%, cá sinh trưởng và phát triển tốt; trọng lượng thu hoạch trung bình 1 – 1,2 kg/con; năng suất bình quân 6,01 tấn/ha/mô hình, trong đó: cá rô phi 13,6 tấn/ha, cá trắm cỏ 2,4 tấn/ha, cá chép 1,35 tấn/ha, cá mè 0,36 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, mô hình thu lãi 99,7 triệu đồng/ha. Đồng thời, việc sử dụng định kỳ chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi cũng cho những hiệu quả rõ nét. Không những giúp cá sinh trưởng tốt, ít dịch bệnh và tăng trọng cao, chế phẩm sinh học còn giúp ổn định môi trường nuôi, hạn chế việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong phòng trị bệnh cho cá, từ đó giúp tiết kiệm được chi phí nuôi.

nuôi thủy sản theo hướng an toàn

Mô hình nuôi thủy sản theo hướng an toàn cho hiệu quả cao – Ảnh: Hải Linh

 

Hiệu quả kinh tế

Trong năm 2014, Dự án đã chọn 3 cơ sở để thực nghiệm gồm xã Hùng Thắng (huyện Bình Giang) diện tích 3,2 ha, 64.000 con giống; Hợp tác xã thủy sản sạch chất lượng cao Xuân Nẻo (huyện Tứ Kỳ) 5,1 ha, 102.000 con giống; phường Chí Minh (thị xã Chí Linh) 4,7 ha, 94.000 con giống. Năng suất thu hoạch trung bình của các hộ tham gia là 10 tấn/ha; tổng thu nhập khoảng 575 triệu đồng/ha, trừ chi phí bình quân các hộ tham gia thu lãi khoảng 118 triệu đồng/ha.

Năm 2015, Dự án tiếp tục thành công. Điển hình là ông Vũ Văn Luật, thôn Tân Quang, xã Quang Khải, huyện Tứ Kỳ với 8 sào ao, nuôi 6.000 con cá rô phi lai xa ghép với các loại cá truyền thống. Sau 5 tháng nuôi, thu hoạch 5 tấn cá rô phi lai xa, 2 tấn cá các loại khác; trừ chi phí, ông Luật thu lãi trên 100 triệu đồng. Tiếp đến là mô hình của bà Trần Thị Tuần, thôn Triều Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện với diện tích 0,6 ha, số lượng 9.000 con cá rô phi lai xa nuôi ghép với cá trắm, chép, trôi, mè. Sau 7 tháng nuôi, mô hình thu hoạch 9 tấn cá rô phi lai xa, 2,5 tấn các loại khác, tổng thu đạt 400 triệu đồng; trừ hết chi phí, gia đình bà Tuần thu lãi gần 200 triệu đồng.

>> Ông Nguyễn Văn Vóc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương cho biết, với mục tiêu phát triển thủy sản theo hướng bền vững, tỉnh sẽ chú trọng vào nâng cao năng suất và đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo nuôi thân thiện môi trường, xử lý nước bằng chế phẩm vi sinh, mật độ thưa để đảm bảo môi trường nước ổn định chất lượng.

Phương Đông

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!