Hết đường vào Mỹ, giá cá hồi châu Âu có nguy cơ giảm mạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về lệnh cấm đi lại tạm thời giữa Mỹ và các nước châu Âu, ngoại trừ Anh nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 có thể trở thành đòn giáng mạnh vào thị trường cá hồi khiến giá giảm mạnh tại châu Âu trong tuần tới.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp cá hồi Chile đã tăng cường xuất khẩu sang Mỹ nên khó xảy ra tình trạng thị trường Mỹ bị thiếu hụt cá hồi. Theo một hãng cung cấp cá hồi tại Chile, doanh nghiệp nước này đã đẩy mạnh xuất khẩu cá hồi sang Mỹ nhưng vẫn đang chờ xác nhận các nhà nhập khẩu định rõ khối lượng cần tăng thêm là bao nhiêu. Chile đang là nguồn cung fillet cá hồi lớn nhất cho thị trường Mỹ, với 122.000 tấn cá nhập khẩu vào Mỹ năm ngoái, theo Ủy ban thương mại quốc tế (ITC).

“Một số nhà nhập khẩu Mỹ đã liên hệ với chúng tôi để đặt hàng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ cá hồi tại Mỹ thời gian tới sẽ giảm vì người tiêu dùng không ra ngoài nhà hàng nhiều như trước do lo sợ lây nhiễm corona”, một hãng cá hồi Chile cho biết. “Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa dám chắc cá hồi Chile có “đắc lợi” trước lệnh cấm của Mỹ lên các chuyến bay của châu Âu hay không. Nhưng chúng tôi sẽ biết sớm thôi”, một nhà xuất khẩu cá hồi Chile chia sẻ.

Theo ITC, Mỹ đã nhập khẩu 36.000 tấn cá hồi tươi từ các nước châu Âu vào năm 2019 và 33.000 tấn fillet cá hồi tươi. Trong khi đó, công ty nuôi cá hồi lớn nhất thế giới, Cermaq tại Na Uy dự báo các nguồn cung cá hồi từ Canada và Chile có khả năng thay thế châu Âu. Theo ITC, Canada đã xuất khẩu 73.000 tấn cá hồi Atlantic tươi nguyên con sang Mỹ vào năm ngoái. “Khối lượng cá bị thiếu hụt từ châu Âu sẽ được bù lại bằng cá hồi của Canada và Chile khi các chuyến bay từ châu Âu bị cấm. Các chuyến bay từ Anh vẫn không bị cấm, nên có thể thông qua Anh để đưa cá hồi châu Âu sang Mỹ”.

Phần lớn cá hồi tươi của châu Âu được vận chuyển sang Mỹ trên những chuyến bay chở hành khách, Paul Aadahl, một chuyên gia phân tích tại Hội đồng cá hồi Na Uy (NSC) cho biết.

Do đó, lệnh cấm bay từ châu Âu kéo dài hàng tháng có thể làm tăng lượng xuất khẩu cá hồi tươi của Na Uy sang châu Âu; đồng thời gây ra sự sụt giảm khối lượng cá hồi tươi vào Mỹ, và tăng cá hồi đông lạnh châu Âu sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, chi phí vận chuyển bằng đường hàng không cũng có thể tăng cao hơn.

Năm ngoái, trị giá cá hồi tươi Na Uy xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 4,2 tỷ NOK (411,80 triệu USD), trong đó các loại salmon và trout chiếm 97%, theo Aandahl. Xuất khẩu cá hồi tươi của Na Uy sang Trung Quốc cũng giảm 50% so năm ngoái, trong khi xuất khẩu cá hồi của Na Uy sang tất cả các nước châu Á giảm 6% so năm 2018, theo Aandahl.

Năm ngoái, châu Âu đã xuất khẩu 100.000 tấn cá hồi tươi gồm fillet và nguyên con sang Mỹ, chiếm 6% tổng sản lượng cá hồi châu Âu. 

Tuấn Minh

Undercurrentnews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!