Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 10 (P. 2)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Với tình hình hiện nay (xuất khẩu, môi trường, dịch bệnh…) thì nuôi tôm thẻ chân trắng hay tôm sú tốt hơn? (Nguyễn Luân – huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Hiện nay, việc xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đang có dấu hiệu giảm, mặc dù đây chỉ là dấu hiệu tạm thời, nhưng về lâu dài cũng sẽ không dễ dàng là mấy bởi các nước sản xuất tôm thẻ chân trắng lớn trên thế giới đang hồi phục mạnh. Ở trong nước, thời điểm này môi trường nước và dịch bệnh trong nuôi tôm đang diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu, gia tăng rủi ro. Trước tình hình này, bạn vẫn có thể nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng nên nuôi với mật độ thấp 30 – 40 con/m2 và sử dụng chế phẩm sinh học để hạn chế rủi ro dịch bệnh trong quá trình nuôi và sản phẩm đạt chất lượng, thuận lợi cho xuất khẩu. Ngoài ra, nếu có diện tích rộng, bạn có thể nuôi tôm sú với hình thức quảng canh hoặc quảng canh cải tiến, tuy lợi nhuận mang lại không cao bằng nuôi thâm canh nhưng bền vững và nếu xảy ra dịch bệnh thì thiệt hại cũng ít hơn.

 

Hỏi: Cần bố trí lồng bè nuôi tôm hùm như thế nào để đạt hiệu quả nhất?(Trần Đình Bình  – xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận)

Trả lời:

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và kinh nghiệm của một số hộ nuôi tôm hùm lồng thành công ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa và thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên thì cách bố trí lồng nuôi hợp lý và hiệu quả nhất là:

Đối với khu vực nuôi nhiều cụm lồng: Nên bố trí các cụm lồng cách nhau tối thiểu 50 m, khoảng cách tối thiểu các lồng trong cụm hoặc bè là 1 m.

Đối với các lồng nuôi độc lập: Khoảng cách tối thiểu giữa các lồng 10 – 20 m, đặt các lồng so le với nhau theo hướng dòng chảy. Lồng có độ sâu 3 – 5 m, nền đáy lồng cách nền đáy biển tối thiểu 1 m. Lồng bè được bố trí ở những nơi ít sóng gió, có dòng chảy nhẹ, độ trong cao và độ mặn ổn định ở 30 – 35‰.

 

Hỏi: Nuôi cá song chấm nâu trong lồng được 0,5 kg, cá bị lở loét và chết rải rác, xin cho biết cách phòng trị? (Lý Vĩnh Thanh – vịnh Lan Hạ, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng)

Trả lời:

Bệnh lở loét trên cá song (mú) do vi khuẩn Vibrio sp gây ra, bệnh xuất hiện nhiều vào mùa hè và nhất là thời điểm giao mùa, gây tỉ lệ chết cao (50 – 60%).

Cá bị bệnh thường có biểu hiện lở loét, xuất huyết cơ thể, mắt lồi và mù, da sẫm màu. Cơ thể xuất hiện các đốm đỏ trên thân và tại các đốm đỏ này sẽ lở loét dần rồi lan rộng ra xung quanh. Đồng thời miệng, vây, hậu môn và đuôi cá đều bị xuất huyết. Cá bơi lờ đờ gần mặt nước, sát lưới lồng nuôi rồi chúi xuống đáy và chết. Khi mổ bụng cá quan sát thấy gan nhợt nhạt và có nhiều dịch trong xoang bụng nếu cá bị bệnh nặng.

Phòng bệnh

Nuôi cá mật độ vừa phải (2 – 4 con/m3 lồng), khi vệ sinh lồng, tắm, san cá cần làm nhẹ nhàng, hạn chế cá bị xây xát hay trầy xước.

Không cho cá ăn thức ăn ôi thiu, khuyến khích dùng cám công nghiệp, bổ sung men tiêu hóa vào thức ăn để hệ tiêu hóa của cá được tốt hơn. Trước mùa xuất hiện bệnh, dùng vitamin tổng hợp, khoáng chất trộn vào thức ăn để tăng cường sức kháng bệnh của cá. Định kỳ tắm nước ngọt cho cá (1 tháng/1 lần) để loại bỏ ký sinh trùng nhằm hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn vào các vết thương. Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lồng, phát hiện sớm cá bệnh để có biện pháp điều trị kịp thời. Khi thấy cá chết, cần vớt khỏi lồng đem chôn hoặc đun sôi. Việc chọn lựa loại thuốc kháng sinh và liều lượng sử dụng cần có sự tư vấn của cán bộ kỹ thuật hoặc cán bộ có chuyên môn.

Trị bệnh

Tắm cá bị bệnh bằng thuốc tím (KMnO4) 7 – 10 g/m3 trong 30 phút hoặc Iodine 10 – 15 g/m3 trong 30 phút.

Dùng 2 loại kháng sinh Sulfamethoxazole và Trimethoprime (50 – 70 mg/kg cá/ngày) trộn vào thức ăn cho cá, bao dầu cho ăn liên tục 5 – 7 ngày. Đồng thời, bổ sung Vitamin C (50 mg/kg cá/ngày) và men tiêu hóa (100 – 200 mg/kg cá/ngày), cho ăn liên tục 7 ngày.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!