Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 10 (P. 3)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Lươn giống 1 tháng tuổi bị bệnh phù đầu, xin hỏi nguyên nhân và cách chữa trị? (Nguyễn Du Thao, thị xã LaGi, tỉnh Bình Thuận)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Lươn giống bị bệnh phù đầu, nguyên nhân là do thả nuôi mật độ quá dày, hoặc nguồn nước bị ô nhiễm và nhiệt độ nước cao do nắng nóng liên tục. Biểu hiện: lươn có đầu to hơn bình thường, ấn vào thấy có hơi, lươn tách đàn bơi lờ đờ và chết rải rác đến hàng loạt.

Bệnh này rất khó chữa trị nên việc đầu tiên là cần tạm dừng cho ăn, loại bỏ những con bị bệnh ra khỏi bể nuôi, chuyển lươn sang bể mới và vệ sinh sạch sẽ bể nuôi, té nước muối (7 – 10%) để diệt trùng. Cấp nước sạch vào bể và ngâm lươn trong bể nước có thuốc kháng sinh Doxycycline liều lượng 3 – 5 g/m3 nước. Thời gian ngâm 2 – 3 h/ngày và ngâm liên tục trong 5 – 7 ngày. Chú ý: nên che chắn nắng, thay nước mát cho lươn, nếu mật độ quá dày thì san bớt lươn sang bể khác chỉ duy trì mật độ 30 – 40 con/m2. Cùng đó, giảm 1/2 khẩu phần ăn hàng ngày của lươn và chỉ cho lươn ăn các loại thức ăn giàu đạm như giun chỉ, trùn quế, thức ăn nên được ngâm nước muối (10%) 15 phút và rửa lại trước khi cho lươn ăn.

Sau 3 –  4 ngày lươn bình phục và ăn trở lại thì cho ăn thêm các loại cá tạp nấu chín…

 

Hỏi: Nuôi cá tầm thì nhiệt độ nước, hàm lượng ôxy hòa tan và mật độ thả bao nhiêu là phù hợp? (Y Hoan, huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum)

 

Trả lời:

Cá tầm là loài cá nước lạnh, ưa sống ở những vùng có nhiệt độ nước thấp hơn 260C. Cá sống ở nước sạch, có độ trong cao, hàm lượng ôxy hòa tan từ 6 mg/l trở lên. Do vậy, cá thích hợp cho nuôi ở các vùng miền núi nước ta, nơi có nguồn nước lạnh sạch và chảy liên tục. Cá tầm có thể nuôi được ở mật độ cao 7 – 10 con/m3 bể, cỡ cá 15 – 20 cm, khi cá lớn (0,5 kg/con trở lên) có thể giảm mật độ nuôi xuống 3 – 5 con/m3.

 

Hỏi: Tôm nuôi được 15 ngày nước ao bị phát sáng, đã dùng thuốc Vio (1 lít/1.000 m3 nước) nhưng không hiệu quả, xin hỏi dùng thuốc nào hiệu quả mà không ảnh hưởng đến tôm? (Quốc Phong, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)

 

Trả lời:

Nước phát sáng trong ao tôm vào ban đêm là do vi khuẩn gây ra, tôm bị nhiễm vi khuẩn này sẽ có hiện tượng còi cọc, kém ăn và chết rải rác. Theo đó, sử dụng đồng thời hai loại chế phẩm sinh học Heterotrophic bacteria và Autotrophic bacteria với liều lượng gấp 4 lần so với mức sử dụng bình thường. Chế phẩm khi được bón xuống ao, vi khuẩn trong chế phẩm sẽ phát triển mạnh và phân hủy chất hữu cơ dưới nền đáy và chuyển hóa các khí độc trong nước; đồng thời, phát triển mạnh, cạnh tranh hết thức ăn và không gian sống của vi khuẩn phát sáng khiến chúng không còn thức ăn và sẽ tàn lụi nhanh chóng. Để duy trì sự phát triển của vi khuẩn có lợi, bạn nên cung cấp đủ ôxy xuống tận tầng đáy ao bằng quạt khí và nên duy trì bón chế phẩm sinh học với liều lượng bình thường (ghi trên bao bì), định kỳ 7 – 10 ngày/lần. 


Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!