Hỏi – Đáp Thủy sản Tháng 5/2015 (P. 2)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Tôm nuôi trong tháng đầu tiên duy trì độ pH khoảng nào thích hợp? Cách kiểm soát độ pH? Nguyễn Công Thắng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Thông thường, yêu cầu pH tối ưu trong ao nuôi tôm 7,8 – 8,5. Trong tháng nuôi đầu tiên, nếu pH thấp 7,3 – 7,7 tôm bị kích thích lột xác nhiều lần, khi tôm chưa tích lũy đủ năng lượng và vật chất dẫn đến hiện tượng tôm yếu, dễ nhiễm bệnh, đồng thời làm tăng độ độc của H2S, khó ổn định độ kiềm. Như vậy người nuôi nên giữ pH tối thiểu vào lúc sáng sớm trong khoảng 7,8 – 8 trong suốt tháng nuôi đầu tiên sẽ thuận lợi cho tôm phát triển. Muốn ổn định pH, trước tiên phải ổn định độ kiềm bằng phương pháp bổ sung khoáng chất. Ở những vùng nhiễm phèn, ngập mặn hoặc vào những thời điểm mưa nhiều, pH thường giảm thấp. Cách thông thường để tăng độ pH là sử dụng vôi nung, vôi tôi. Ngoài ra pH còn bị ảnh hưởng bởi mật độ tảo, cần gây màu nước ổn định trước khi thả tôm và kiểm soát chặt lượng thức ăn trong tháng nuôi đầu tiên.

 

Hỏi: Tôm nuôi ở giai đoạn 50 – 60 ngày tuổi, xuất hiện nhiều con có vùng cơ, chân bơi, chân bò màu đen. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? Phạm Văn Dũng (thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)

Trả lời:

Theo như mô tả thì tôm bị thiếu Vitamin C. Ngoài các biểu hiện trên, tôm có thể ăn kém, chết rải rác. Bệnh thường xảy ra trong ao nuôi thâm canh tảo kém phát triển. Khi bị thiếu Vitamin C, tôm ăn ít, sức đề kháng kém, rất dễ cảm nhiễm các tác nhân gây bệnh khác. Để phòng bệnh có thể định kỳ bổ sung Vitamin C, Vitamin tổng hợp vào khẩu phần ăn cho tôm nuôi. Trị bệnh bằng cách bổ sung Vitamin C với liều lượng 3 – 5 g/kg thức ăn, đến khi hết biểu hiện bệnh. Ngoài ra cần duy trì, ổn định màu nước ao nuôi. 


Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!