Hướng tới nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

Chưa có đánh giá về bài viết

Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (2013 – 2018); ghi nhận những kết quả rất ấn tượng, cho thấy ngành nông nghiệp đã phát triển nhanh, mạnh, bền vững trên nhiều lĩnh vực. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (2013 – 2018)

Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013. Đây là một trong số ít bộ, ngành tiên phong thực hiện tái cơ cấu ngành trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức…; tuy vậy, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn ngành và cố gắng vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân nên nhiều chỉ tiêu phát triển của Đề án đã đạt hoặc gần tiệm cận được đến mục tiêu của năm 2020 về cả 3 trụ cột kinh tế – xã hội và môi trường.

Về mục tiêu kinh tế, tổng quan chung cả giai đoạn 5 năm, nông nghiệp đạt được tăng trưởng 2,55%/năm; kim ngạch xuất khẩu trên 157 tỷ USD, bình quân  đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so bình quân của 5 năm trước; năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so năm 2012, tăng trung bình 6,67%/năm, gấp đôi so mục tiêu đề ra trong Đề án. Về mục tiêu xã hội, cùng với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017 (gấp 1,71 lần so năm 2012 và 3,5 lần so năm 2008), qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2017 đạt 34,4%, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đạt 40% và năm 2020 sẽ đạt mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn. Về mục tiêu môi trường, đến hết năm 2017 tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 42%); tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại  trong sản xuất đã được từng bước giám sát, xử lý nghiêm.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã lắng nghe chia sẻ của đại diện các địa phương, doanh nghiệp, HTX về những kết quả đạt được trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp 5 năm qua; đồng thời đưa ra những đề xuất kiến nghị cho sự phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Phát biểu tổng kết và chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong những chủ trương trọng tâm thực hiện Nghị quyết TW 7, khóa 10, tạo nhiều chuyển biến trong nhận thức và thống nhất trong sự phát triển; ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như tổ chức lại sản xuất, các chính sách dành cho sự phát triển của ngành, ứng dụng khoa học công nghệ ngày một sâu rộng. Nhưng, bên cạnh những thành tựu đó, cũng còn bộ lộ không ít những thách thức cần vượt qua. Theo đó, Phó Thủ tướng đã đưa ra những nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, trong đó tập trung vào xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, nâng cao cạnh tranh quốc tế; tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua quá trình hành động cụ thể như lập quy hoạch phát triển hạ tầng nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển, tăng cường công tác quản lý sản phẩm vật tư đầu vào, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chính phủ, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người nông dân cùng vào cuộc quyết liệt và tâm huyết thực hiện tái cơ cấu. Bởi đây là nhiệm vụ lâu dài, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu; ngành nông nghiệp phải thực sự phát triển, tạo giá trị, chất lượng cao hơn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.

>> Mục tiêu sản xuất nông nghiệp đến năm 2020: Tốc độ giá trị gia tăng đạt tối thiểu 3%/năm, năng suất lao động tăng từ 3,5%/năm, thu nhập dân cư nông dân ít nhất 1,8 lần so năm 2015; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 42%.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!