Ngư dân gặp khó vì xăng dầu

Chưa có đánh giá về bài viết

Xăng dầu với nghề biển vẫn luôn là một bài toán khó. Chuyến biển có mang lại lợi nhuận cho ngư dân hay không phụ thuộc rất nhiều vào đó, ấy vậy mà còn khá nhiều bất cập.


Ảnh minh họa

Giá liên tục tăng

Sau 2 tháng đầu năm ổn định, từ đầu tháng 3/2019 đến 2/5/2019, giá xăng dầu đã 4 lần điều chỉnh tăng khiến nhiều ngư dân gặp khó. Bởi tiền xăng dầu chiếm 50 – 60% chi phí mỗi chuyến ra khơi, chưa kể xăng dầu tăng giá kéo theo nhiều hàng hóa thiết yếu tăng theo. Cụ thể, lần điều chỉnh gần nhất (kể từ 16h00 ngày 2/5/2019), giá xăng RON 95 lên tối đa 22.191 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tối đa 20.688 đồng/lít, dầu diesel 17.695 đồng/lít, dầu hỏa 16.625 đồng/lít. Với sự tăng giá này, ngư dân gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí phải cho tàu cá nằm bờ.

Ông Đặng Thanh Khuyên (thôn Quang Thịnh, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có một tàu vỏ sắt công suất hơn 820 CV đóng theo Nghị định 67 cho biết, trước đây mỗi chuyến biển khoảng hơn 10 ngày, số tiền chi cho xăng dầu khoảng 45 – 50 triệu đồng, nay đội lên thêm 15 – 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nên thu không đủ chi, nhưng không thể để con tàu gần 20 tỷ đồng đắp chiếu được nên vẫn cố gồng gánh.

Tàu cá của ngư dân Hoàng Khá (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã nằm bờ mấy tháng nay. Theo anh, do đánh bắt xa bờ nên mỗi chuyến ra khơi kéo dài 20 – 30 ngày, tiêu tốn 10.000 – 12.000 lít dầu. Với giá dầu hiện nay, chi phí mỗi chuyến tăng thêm vài chục triệu đồng. Hiệu quả đánh bắt kém, bạn thuyền bỏ đi hết nên tàu không thể ra khơi.

Theo Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, từ đầu năm đến nay số lượt tàu vào cảng giảm hơn 2.000 lượt so với cùng kỳ 2018. Giá xăng dầu tăng trong khi nguồn lợi thủy sản suy giảm nên doanh thu của ngư dân giảm đi rất nhiều, kéo theo thu nhập của lao động trên tàu không ổn định, nên họ có xu hướng chuyển đổi nghề từ biển lên bờ. Điều này làm thiếu hụt lao động, dẫn đến nghề biển càng khó khăn hơn.

Không đảm bảo chất lượng

Mới đây, hàng loạt cửa hàng xăng dầu tại một số huyện của tỉnh Nghệ An “bán chui” cho tàu cá đang được xem xét xử lý. Theo đó, tại huyện Diễn Châu có 15 cửa hàng kinh doanh trái phép, huyện Quỳnh Lưu có 13 cửa hàng không đủ điều kiện kinh doanh. Các cửa hàng này chủ yếu bán nhỏ lẻ cho các tàu, thuyền; các cột bơm xăng dầu được lắp đặt ngay trong nhà, thiết bị sơ sài, thiếu an toàn, không niêm yết giá, không thực hiện các quy định về đo lường, nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn rất lớn.

Trường hợp của Công ty Bình Trinh (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn) bị xử phạt 230 triệu đồng do bán xăng có chất lượng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trước đó, kết quả kiểm tra chỉ tiêu về hàm lượng Etanol (cồn sinh học) trong xăng E5 RON 92 tại cửa hàng xăng dầu của công ty này chỉ đạt 1,88%, trong khi theo quy định phải là 4 – 5% thể tích. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang có hơn 6.600 lít xăng E5 RON 92 chưa tiêu thụ.

Vì vậy, để đảm bảo về chất lượng, giá cả, ngư dân cần lựa chọn nơi tiếp nhiên liệu một cách thông thái.

Trần Vân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!