Phát huy lợi thế nước mắm truyền thống

Chưa có đánh giá về bài viết

Tuy giá trị không cao như xuất khẩu nhưng sản phẩm thủy sản truyền thống, trong đó có nước mắm cổ truyền đã góp phần làm phong phú nguồn thực phẩm cho hơn 92 triệu người dân Việt Nam.

Tiêu thụ trong nước chủ yếu

          Theo Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), hiện, cả nước có khoảng 2.900 cơ sở chế biến nước nắm, sản lượng bình quân ước hơn 215 triệu lít/năm. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Nam bộ, chiếm 45,7% về số lượng cơ sở chế biến; 39,2% về sản lượng so với cả nước.

          Những cơ sở chế biến nước mắm truyền thống lớn nhìn chung ổn định; một số cơ sở bé có xu hướng bị thu hẹp dần. Công nghệ và trang thiết bị phục vụ chế biến nước mắm truyền thống hiện mang tính chất thủ công, chượp cá được ủ với muối trong các thùng, bể với thời gian 6 – 12 tháng. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình chế biến nước mắm quy mô lớn đã sử dụng máy bơm để náo đảo, lọc và cơ giới hóa vận chuyển thay vì thủ công như trước đây. Một bước tiến lớn là một số cơ sở lớn đã sử dụng thiết bị đóng chai tự động hoặc bán tự động đảm bảo năng suất và vệ sinh an toàn thực phẩm.

          Sản phẩm nước mắm chủ yếu đang tiêu thụ trong nước. Mặc dù hiện nay, một số doanh nghiệp lớn có điều kiện cơ sở sản xuất tốt đáp ứng an toàn thực phẩm có thể xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới, kể cả những nước yêu cầu tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ… nhưng, sản lượng xuất khẩu vẫn ở mức thấp, khoảng 4% sản lượng, giá trị xuất khẩu ước 10 – 15 triệu USD.

Hội thảo nước mắm

 Đánh thức tiềm năng

          Bên cạnh những thuận lợi, nghề sản xuất nước mắm hiện cũng phải đối diện với không ít thách thức. Khó khăn đầu tiên phải kể đến chính là quy mô và chi phí sản xuất. Đa phần các cơ sở chế biến nước mắm hiện đều là doanh nghiệp cỡ nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, thiếu vốn sản xuất – kinh doanh nên gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, phần lớn mẫu mã bao bì sản phẩm nước mắm hiện chưa đa dạng, đẹp và tiện dụng, phần nào hạn chế khả năng cạnh tranh của sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ nội địa, cũng như xuất khẩu.Ngoài ra, thị hiếu của người tiêu dùng có nhiều thay đổi do tiếp cận thông tin quảng cáo rầm rộ sản phẩm của các thương hiệu nước mắm pha chế (công nghiệp/nước chấm); đồng thời, người tiêu dùng cũng có xu hướng ngày càng ăn nhạt để đảm bảo sức khỏe… nên các sản phẩm nước mắm truyền thống không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp này. Hơn nữa, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường còn nhiều lúng túng, thiếu sự quảng bá thông tin đến người tiêu dùng; nên người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn giữa sản phẩm truyền thống và sản phẩm nước chấm công nghiệp, pha chế khác.

          Nhiều chuyên gia cho rằng, để nghề sản xuất nước mắm truyền thống phát triển bền vững, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nước mắm cần phải xây dựng, duy trì chiến lược phát triển sản phẩm rõ ràng, kiên định lấy chất lượng làm mục tiêu, thay đổi hình thức bao bì để hấp dẫn người tiêu dùng… Các hội, hiệp hội cần tập trung vào công tác truyền thông chung cho các thành viên, kết nối chặt chẽ với đầu mối phân phối để nắm bắt sự thay đổi trên thị trường; phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan nhằm đảm bảo sự thuận lợi cho quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa… Cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ truyền thông cho sản phẩm thủy sản truyền thống thông qua các kênh truyền thông chính thống.

          “Đồng thời, cũng rất cần phát triển nghề sản xuất nước mắm truyền thống gắn với du lịch bền vững, nét đẹp văn hóa và nông thôn mới tại các địa phương, đưa các làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống không chỉ là nơi sản xuất của người dân vì mục đích kinh tế mà trở thành nét văn hóa của vùng đất sản sinh ra”, ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng Chế biến, Bảo quản thủy sản – Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối chia sẻ.

Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!