Rộng cơ hội việc làm ngành Nuôi trồng thuỷ sản

Đánh giá bài viết

100% sinh viên tốt nghiệp ngành nuôi trồng thuỷ sản tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau đều tìm được việc làm. Thế nhưng, số lượng sinh viên đăng ký theo học hiện rất ít.

Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau đang thực hành tại trại thực nghiệm.

Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau đang thực hành tại trại thực nghiệm.

Việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp luôn là vấn đề nan giải cho toàn xã hội. Một phần do sinh viên đăng ký học ồ ạt vào những ngành được cho là “hot” nên đầu ra quá nhiều so với nhu cầu thực tế. Song song đó lại có những ngành rất dễ tìm việc làm sau khi tốt nghiệp nhưng đầu vào lại ít.

Thực tế còn khó khăn

Thế mạnh của Cà Mau là nuôi trồng thuỷ sản nên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau chủ động liên kết với Trường Đại học Thuỷ sản Nha Trang (2001-2006) và Đại học Cần Thơ (2005-2010) đào tạo những kỹ sư chuyên ngành phục vụ cho sự phát triển của địa phương. Năm 2012, trường chính thức mở mã ngành nuôi trồng thuỷ sản với hình thức đào tạo chính quy.

Cô Đỗ Thị Viễn Hương, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, cho biết: “Năm đầu mở mã ngành chỉ tuyển sinh được 13 hồ sơ đăng ký nhập học. Mặc dù nhà trường đã cố gắng làm hết khả năng nhưng số lượng sinh viên đăng ký theo học vẫn không cao. Khoá vừa rồi tốt nghiệp, ngành nuôi trồng thuỷ sản chỉ có 27 sinh viên”.

Tuy tỷ lệ tuyển sinh đối với ngành nuôi trồng thuỷ sản chưa cao nhưng nhà trường rất chú trọng về chất lượng đào tạo. Thường xuyên liên kết với Trường Đại học Cần Thơ để sinh viên có nơi thực hành nâng tay nghề, nhưng do kinh phí thuê phòng thực hành, phòng thí nghiệm tương đối cao nên trường gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, nhà trường đã đề ra dự án xây dựng trại thực nghiệm tại cơ sở 2, hiện vẫn đang chờ phê duyệt.

Nhằm giải quyết khó khăn từ thực tế, trường tự huy động nguồn vốn để thực hiện vài mô hình đơn giản phục vụ cho việc dạy và học ở trại thực nghiệm. Mặc dù dụng cụ, trang thiết bị còn rất ít nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả. Điều đáng mừng là tâm lý sinh viên dần trở nên hào hứng và đam mê với môn học này.

Sinh viên Trần Phát Tài, Khoá 8, ngành Nuôi trồng thuỷ sản, chia sẻ: “Gia đình tôi từ trước đến nay sống bằng nghề nuôi trồng thuỷ sản. Từ nhỏ, tôi đã mơ ước trở thành kỹ sư nên đăng ký theo học ngành này. Để có nhiều cơ hội thực hành và trao đổi kiến thức với giảng viên, tôi đăng ký ở lại trại thực nghiệm với mong muốn tiếp thu thêm nhiều điều bổ ích và nghiên cứu, sáng tạo những mô hình mới”.

 “Dẫu cùng thầy và một số bạn ở trại thực nghiệm mới 6 tháng nhưng tôi đã tự tin áp dụng những kiến thức sẵn có để nuôi tôm tại gia đình, bước đầu thành công ngoài mong đợi. Bản thân tôi tâm niệm rằng, dù làm bất cứ ngành, nghề gì đều phải có kiến thức về nó thì cơ hội thành công mới cao được”, sinh viên Trần Phát Tài cho biết thêm.

Cơ hội việc làm cao 

Khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết các hộ dân sống bằng nghề nuôi trồng thuỷ sản ở địa phương còn phụ thuộc rất nhiều vào sự biến đổi khí hậu. Đa phần bà con chưa am hiểu nhiều về kỹ thuật và quy trình, mà chủ yếu là vận dụng kinh nghiệm tích luỹ qua các đợt nuôi. Vì thế, mới bắt đầu thử nghiệm, phần trăm thất bại tương đối cao.

Nhận thấy được nhu cầu bức thiết của gia đình và địa phương, anh Trần Trọng Nguyễn đã chọn ngành này để theo học và đang là sinh viên năm cuối. Anh Nguyễn tâm sự: “Quê tôi ở xã Khánh Hội, huyện U Minh, kinh tế chủ yếu là trồng lúa và nuôi cá nước ngọt. Đa phần các đại lý ở địa phương đều đặt mua giống cá ở vùng trên về thuần hoá rồi bán lại cho bà con. Do cá vận chuyển xa và không rõ nguồn gốc nên tỷ lệ chết tương đối cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả vụ nuôi”.

Nhìn nhận rõ nhu cầu thực tế, anh Nguyễn ấp ủ ước mơ sau khi ra trường sẽ mở một cơ sở chuyên ép cá bống tượng để cung cấp cá giống đảm bảo chất lượng cho bà con địa phương.

Cô Đỗ Thị Viễn Hương thông tin, một số công ty chế biến thuỷ sản ở Cà Mau nhiều lần đến đặt vấn đề với trường về việc tuyển dụng sinh viên ngành nuôi trồng thuỷ sản sau khi tốt nghiệp. Nhưng do số lượng sinh viên theo học ngành này của trường còn rất ít nên nhà trường chưa dám ký kết với doanh nghiệp.

Theo thống kê, sinh viên tốt nghiệp ngành nuôi trồng thuỷ sản đều làm việc ở các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với mức lương tương đối ổn định. Anh Lê Toàn Đỉnh, cựu sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, tâm tình: “Vừa ra trường, tôi đã được các thầy cô trong khoa giới thiệu việc làm ở Công ty TNHH tôm giống thuỷ sản QUAONE tỉnh Bình Thuận. Tuy phải đi xa và làm việc ngoài trời nhiều nhưng không tháng nào tôi thu nhập dưới 9 triệu đồng. Đó là mức lương thời còn ngồi trên ghế nhà trường tôi chưa từng dám nghĩ tới. Thế nên, tôi quyết định sẽ gắn bó lâu dài với công việc này”.

Thời gian thực tập cũng là cơ hội để rất nhiều sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Anh Huỳnh Hữu Thọ, cựu sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, chia sẻ: “Hiện tôi đang làm việc ở Công ty tôm giống, thức ăn thuỷ sản Như Ý tại Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Công việc đúng với chuyên ngành đã học nên tôi rất thích. Thời gian đầu tôi sẽ cố gắng làm việc để tích góp được số vốn, sau đó sẽ mở công ty riêng để thực hiện tâm nguyện của mình”.

Chọn ngành nghề để học là yếu tố rất quan trọng quyết định tương lai. Thế nên, đừng nên chạy theo những ngành “hot” mà phải cân nhắc kỹ đam mê và nhu cầu thực tế để khi ra trường có cơ hội tìm được công việc ổn định.

>> Cô Đỗ Thị Viễn Hương cho biết, do đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với hoá chất và đôi khi phải làm việc ngoài trời nên đa phần sinh viên nữ ít lựa chọn ngành nuôi trồng thuỷ sản. Thêm vào đó, các bậc phụ huynh thường mong muốn con em mình được làm việc trong các cơ quan Nhà nước, nhưng do đặc thù và nhu cầu của xã hội, đa phần sinh viên tốt nghiệp ngành này dễ tìm việc làm ở các doanh nghiệp tư nhân hơn ở cơ quan Nhà nước. Vì thế, ngành này không phải là sự lựa chọn của nhiều người.

Phùng Ngọc Trầm

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!