Thủy sản cùng da giày và dệt may kiến nghị gỡ khó xuất khẩu

Chưa có đánh giá về bài viết

Ba ngành hàng đã vừa cùng ký chung một báo cáo kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại dịch bệnh đến sản xuất, xuất khẩu.

Tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp trên toàn thế giới với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có người nhiễm bệnh; đặc biệt dịch bệnh đã bùng phát tại các quốc gia như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản… Đây cũng chính là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu dệt may, da giày và thủy sản Việt Nam. Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp thuộc 3 ngành đã bị hủy, hoãn giao hàng, không ký tiếp đơn hàng mới và chậm thanh toán dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, nguy cơ đứt thanh khoản; chính vì vậy 3 hiệp hội của các ngành hàng này đã có những kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu.

Cụ thể, về bảo hiểm xã hội (BHXH), trước mắt, các hiệp hội đề nghị cho phép doanh nghiệp và người lao động ngừng đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và tùy theo tình hình tác động của dịch bệnh xin miễn đóng với mức tương ứng. Dùng tiền dư của quỹ BHXH, BHTN hỗ trợ 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động, còn 50% do doanh nghiệp chi trả. Dùng tiền dư quỹ BHXH và BHTN cho doanh nghiệp vay không lấy lãi để chi phí cho người lao động. Quốc hội thông qua việc giảm tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ BHTN từ 1% xuống còn 0,5%.

Về mức lương, đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép lựa chọn 1 trong 2 giải pháp. Người lao động chấp nhận mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng do 2 bên thỏa thuận. Đề nghị cho phép áp dụng ngay Điều 99 của Luật Lao động 2019 trong trường hợp ngừng việc do dịch thì 14 ngày đầu tiên lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng, từ ngày 15 trở đi mức lương do 2 bên thỏa thuận.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, các hiệp hội xin cho phép nộp chậm thuế doanh nghiệp 2019 đến hết 2020 và không tính lãi nộp chậm. Thuế VAT hoãn cho các doanh nghiệp trong năm 2020 và không tính lãi nộp chậm. Các hiệp hội cũng xin miễn kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp và phí công đoàn cho người lao động trong năm 2020.

Ba hiệp hội ngành hàng trên cũng xin hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trước năm 2020, cụ thể hạ 4 – 5% đối với VNĐ và 2 – 3% đối với USD. Ngân hàng có chính sách cho các doanh nghiệp giãn các khoản nợ đến hạn trong năm 2020 (với thời gian trả chậm được phép tối thiểu là 3 – 6 tháng) mà không tính lãi suất chậm trả nợ và đề xuất giảm giá điện và nước 30% trong năm 2020.

An An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!