Tiềm năng lớn từ cá cảnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Việt Nam có tiềm năng lớn cho phát triển nghề nuôi cá cảnh do có khí hậu nhiệt đới, nguồn lợi thủy sinh tự nhiên phong phú và sự đa dạng của các hệ thống sông, kênh.

Hiện, nhu cầu nuôi cá cảnh ở Việt Nam ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã có đến gần 30.000 người có nhu cầu và điều kiện nuôi cá cảnh.

Nhiều giống cá cảnh có nguồn gốc tự nhiên ở Việt Nam như cá thái hổ, nàng hai, sơn xiên, mang rỗ,… ngày càng được ưa chuộng trên thị trường thế giới như châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, sản lượng không nhiều do chưa sản xuất giống mà chỉ khai thác ngoài tự nhiên. Cho đến nay, nước ta mới chỉ chủ động sản xuất giống được một số ít các loại cá cảnh như cá dĩa, chép Tàu vàng, ông tiên, xiêm, neon, bảy màu… Còn lại, phải nhập khẩu một số lượng lớn giống các loài cá cảnh chủ yếu ở một số nước và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia và Philippines. Qua khảo sát, có khoảng 40 loài cá nhập nội, gồm các loại cá chính là: chuột ba sọc, thành cát tư hãn, hoàng tử, neon đỏ, nhật đăng, kim long, ngân long, ali, chim dơi, chuột trắng, hỏa tiễn… Phần lớn cá cảnh nhập khẩu dùng để làm giống, chỉ một số ít để phục vụ cho thị trường trong nước. 

Ảnh: Trịnh Bộ

 

Một số loài cá cảnh nuôi phổ biến

Cá bảy màu hay còn gọi là cá Guppy, là một trong những loại cá cảnh phổ biến nhất thế giới. Tuy có kích thước nhỏ bé, nhưng lại là loài cá đa dạng về màu sắc nhất. Đây là cá bản địa của Trinidad và Tobago và một số khu vực thuộc Nam Mỹ. Ở Việt Nam, cá bảy màu tại có hai loại chính là cá bảy màu đuôi rắn và bảy màu thân xanh đen, đuôi màu xanh biếc, đỏ điểm vạch trắng.

Cá neon, là loài cá được nhiều người lựa chọn bởi dễ nuôi, hiền lành, có nhiều màu sắc, đặc biệt là bơi thành đàn rất đẹp. Đây là loài cá có nguồn gốc từ Nam Mỹ ở những lưu vực sông Negro và Orinoco.

Với nhiều màu sắc khác nhau, cá mún hay còn gọi là cá hòa lan là sự lựa chọn hoàn hảo cho người mới nuôi cá cảnh. Cá mún rất dễ nuôi vì chúng thích ứng rộng với nhiều môi trường sống và thức ăn cho chúng rất đơn giản. Chúng có thể ăn rêu, mốc giúp dọn sạch bể nuôi. Trên thị trường rất hiếm gặp giống cá mún thuần chủng. Cá mún được nhập nội từ thập niên 70, hiện cá đã được sản xuất giống ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Có đặc điểm tương tự cá mún, cá kiếm là đối tượng khá phổ biến, được người nuôi lựa chọn bởi dễ nuôi, hiền lành, có thể nuôi chung với các loài cá cảnh khác như cá phượng hoàng, tứ vân, cánh buồm, thần tiên, hồng gấm…

Cá dĩa là một trong những loài đẹp nhất trong các loài cá cảnh nước ngọt. Với nhiều màu sắc hoa văn khác nhau đã giúp cho loài cá này đứng vững trên thị trường cá cảnh. Cá có xuất xứ từ Nam Mỹ, khi trưởng thành chúng đạt kích thước tối đa 20 cm, thân tròn, miệng và mang nhỏ, bơi nhẹ, thành đàn trong tự nhiên.

Là một loài có màu sắc tươi sáng, phối từ các màu cơ bản như: trắng, đỏ, đen, vàng, cam. Vì vậy, cá chép Koi rất phù hợp nhất với những biệt thự có kiến trúc sang trọng. Cá có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng được người Nhật Bản lai tạo đẹp về màu sắc và đắt giá. Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể sống trong môi trường không bị hạn chế về không gian và kích thước. Cá chép Koi sống rất thọ, càng lớn càng đẹp và có giá trị.

Nguyễn Nhung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!